Cẩn trọng với bưu kiện chuyển phát nhanh từ nước ngoài

Trong thời đại 4.0 và thông thương hàng hóa, việc vận chuyển hàng hóa qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế không còn xa lạ. Tuy nhiên, tội phạm lại dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để hoạt động phạm tội qua dịch vụ này.
Phát hiện xe thư báo chuyển phát nhanh J&T vận chuyển hàng lậu 'Nở rộ' buôn lậu qua đường bưu chính, chuyển phát nhanh Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện bị xử lý vi phạm về thuế hơn 1 tỷ đồng

Nội dung bưu phẩm một đằng, gửi một nẻo

Mới đây, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, CATP Hà Nội vừa triệt phá đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường chuyển phát nhanh từ nước ngoài.

Cụ thể, khoảng 15h50 ngày 30/1, Đội 7 - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - CATP Hà Nội làm nhiệm vụ tại địa bàn phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, đã bắt quả tang Nguyễn Thanh Hải (SN 1998, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội), là một trong những mắt xích liên quan, về hành vi Mua bán trái phép chất ma túy.

Qua điều tra, Nguyễn Thanh Hải khai nhận vừa đến Công ty chuyển phát nhanh “Giao hàng tiết kiệm” tại địa chỉ 962 Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, nhận thùng hàng (gồm 6 hộp sắt hình tròn màu trắng in chữ FIVE STAR, đều chứa “Thảo mộc khô”, giám định sơ bộ là ma túy loại cần sa, có tổng khối lượng 748,750 gam và nhiều tang vật liên quan) về bán kiếm lời.

Ma túy được cất giấu tinh vi và vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh quốc tế (ảnh minh họa)
Ma túy được cất giấu tinh vi và vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh quốc tế (ảnh minh họa)

Trước đó, 16 kiện hàng có chứa hơn 31 kg ma túy tổng hợp, cocain, ketamin và cần sa này được nhập khẩu vào Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh, bưu chính từ Đức, Pháp, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc).

Theo thông tin từ lực lượng chức năng, ngày 12/1, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh phối hợp với Đội Kiểm soát phòng chống ma tuý (Cục Hải quan TP HCM), Đội 6 Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Công an TPHCM khám xét 16 kiện hàng nhập khẩu vào Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh, bưu chính từ Đức, Pháp, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), qua đó phát hiện và thu giữ hơn 31 kg ma túy các loại, gồm ma túy tổng hợp MDMA, cocain, ketamin và cần sa.

Đây lần đầu tiên, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh đã ghi nhận, phát hiện ma túy được vận chuyển trái phép trong 2 kiện hàng nhập khẩu vào Việt Nam qua tuyến đường mới từ Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc).

Trong đợt ra quân lần này, Đội Kiểm soát phòng chống ma tuý và Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh cũng đã phá án thành công chuyên án GE520, khám xét 5 lô hàng nhập khẩu từ Đức về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh, bưu chính, bắt giữ gần 10 kg ma túy tổng hợp MDMA.

Trước đó, vào cuối tháng 11/2020, các lực lượng của Cục Hải quan TPHCM cũng đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, Công an Thành phố phát hiện, thu giữ hơn 20 kg ma tuý các loại được vận chuyển vào Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh, bưu chính.

Vô tình là nạn nhân của chuyển phát nhanh quốc tế

Thực tế không ít người nhận được điện thoại từ người tự xưng là nhân viên của công ty chuyển phát nhanh quốc tế. Họ sẽ nói bưu phẩm chuyển phát vượt mức quy định nên yêu cầu phải nộp phí (thường là rất nhiều tiền) bằng cách chuyển khoản. Sau đó họ cung cấp tên và số tài khoản để khách hàng nộp tiền vào.

Hiện nay, không có một quy định nào của pháp luật cho phép thu thuế hải quan thông qua hình thức chuyển khoản ngân hàng. Trong trường hợp khách hàng nhận quà từ nước ngoài gửi về thì sẽ chỉ phải thanh toán các khoản thuế, lệ phí sau khi hàng đã được chuyển về sân bay, bưu điện... Tùy từng trường hợp mà nhân viên sẽ thông báo cho khách hàng đến nhận hàng tại sân bay hay bưu điện, sau khi kê khai và nộp thuế thì khách hàng sẽ được nhận hàng.

Căn cứ Điều 1 Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ “về mức giá trị hàng hoá nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế” thì: “Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1.000.000 đồng (một triệu đồng) trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị trên 1.000.000 đồng (một triệu đồng) phải nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, nhiều người không biết rõ quy định này, vô tình trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo.

Đơn cử như trường hợp chị Nguyễn Thị V (Hải Phòng) có quen một đối tượng tên Robert qua facebook. Robert chuyển cho chị V một kiện hàng trị giá trên 100 triệu đồng từ Anh về Việt Nam.

Tuy nhiên, để nhận được hàng, chị V đã phải thanh toán số tiền trên 10 triệu đồng cho đại lý giao nhận và thường xuyên liên lạc với một số đối tượng nhận là đại lý giao nhận và thanh toán tại Anh qua email và tại Việt Nam qua số điện thoại 01635941xxx và 0912572xxx để hướng dẫn thủ tục.

Chị V nhận được email của đối tượng với nội dung: Kiện hàng đã bị Hải quan kiểm tra qua máy soi và phát hiện có tiền trong đó (280.000 bảng Anh). Tuy nhiên, họ đã khai báo với Hải quan số tiền trong bưu kiện chỉ là 180.000 bảng Anh và đề nghị chị V đóng thuế với số tiền 2.650 bảng Anh (tương đương hơn 91 triệu đồng) nếu không kiện hàng sẽ bị cơ quan Hải quan kiểm tra máy soi tiếp. Đối tượng này yêu cầu chị V chuyển tiền và chuyển phiếu thanh toán để đối tượng đính kèm vào bưu kiện.

Các đối tượng đề nghị chị chuyển tiền vào các tài khoản 200551289 tại Ngân hàng ACB, người hưởng thụ: Trịnh Thị Kim Dung và tài khoản 1321000017455 tại Ngân hàng BIDV TP Hồ Chí Minh, người hưởng thụ: Lê Thị Ngọc Hân.

Thực chất các sự việc trên hoàn toàn không phải như vậy. Từ công tác thu thập và phân tích thông tin, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) nhận định, đây là một đường dây có tổ chức chuyên lừa đảo lấy phí vận chuyển hàng chuyển phát nhanh từ nước ngoài về Việt Nam. Các đối tượng cung cấp số tài khoản ngân hàng Việt Nam để yêu cầu nộp tiền vào. Khi người bị hại nộp tiền vào các tài khoản đó, các đối tượng sẽ chiếm đoạt.

Cảnh giác không thừa

Từ những sự việc liên quan đến chuyển phát nhanh quốc tế, lực lượng chức năng khuyến cáo, những mặt hàng bị cấm vận chuyển đối với tất cả các quốc gia có dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế (trong đó có Việt Nam) gồm: Đạn dược (ngoại trừ được quy định rõ ràng trong ""Biểu phí/Điều khoản và Điều kiện Dịch vụ của UPS - Hoa Kỳ"" bắt đầu từ trang 136); Hóa đơn ngân hàng, giấy báo hoặc tiền tệ (trừ tiền xu); Thi hài, tro cốt hoặc hài cốt; Pháo hoa; Chất thải nguy hại; Ngà voi; Cần sa, bao gồm cả cần sa dùng cho mục đích y tế; Tem bưu chính; Vây cá mập; Các lô hàng bị luật pháp cấm; Đồng hồ có giá trị vượt quá 500 USD.

Đối với người có hành vi yêu cầu chuyển khoản, nếu có đầy đủ các thông tin, chứng cứ về người này thì khách hàng có thể tố cáo họ với cơ quan công an, để cơ quan công an tiến hành điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Hoa Thành
Phiên bản di động