Cấm mọi hình thức đưa sách tham khảo vào trường học để “ngăn” lợi ích nhóm
Lợi ích nhóm liên quan đến sách tham khảo
Những ngày qua, Lao Động có nhiều bài viết đề cập đến vấn đề “nhập nhèm” giữa SGK và sách bổ trợ, sách tham khảo ở trường học. Học sinh lớp 1 phải “cõng” lên đến 23 đầu sách, đi ngược với mục tiêu giảm tải, giảm áp lực học hành cho học sinh. Nhiều phụ huynh cho biết họ phải bỏ ra số tiền lớn, từ 500.000- 700.0000 đồng, thậm chí 1 triệu đồng để mua bộ sách lớp 1 cho con.
Đặc biệt, khi phát hành qua các trường học, đơn vị phát hành “nhập nhèm”, không nói rõ cho phụ huynh đâu là SGK (bắt buộc phải mua), đâu là sách tham khảo (không bắt buộc). Các bộ sách đều được bán theo “combo”, gồm nhiều loại, kèm cả đồ dùng học tập khiến giá thành đội lên cao, trong khi phụ huynh không có quyền lựa chọn sách.
Trước tình trạng không phân định rõ giữa SGK và sách tham khảo, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - cho rằng, có lợi ích nhóm liên quan đến sách tham khảo và đề nghị cấm tất cả các loại sách tham khảo ở bậc tiểu học.
“Tiểu học không nên có sách tham khảo, các cháu bé như thế cần tham khảo cái gì đâu”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng, các nước trên thế giới cũng có sách tham khảo nhưng không phải là bắt buộc mà ai muốn đọc gì thì đọc, nhất là các giáo viên để giảng dạy cho phong phú chứ không phải là học sinh. Không có chuyện đưa sách tham khảo vào trường học, thông qua trường để bán cho học sinh.
Cấm mọi hình thức “khuyến khích” đưa sách tham khảo vào trường học
Trước đó, trước những bức xúc của phụ huynh, dư luận xã hội về vấn đề “nhập nhèm” giữa SGK và sách tham khảo, tại cuộc họp Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực vào chiều 23.9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Hội đồng, đã có những chỉ đạo liên quan đến vấn đề này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GDĐT nghiên cứu việc đưa SGK tới tay học sinh, giảm các khâu trung gian. SGK thì được đưa vào nhà trường, đến từng học sinh, còn sách tham khảo không được đưa vào nhà trường, khuyến khích sử dụng lại sách giáo khoa cũ.
Đối với sách tham khảo, Bộ GDĐT phải sửa đổi, bổ sung quy định không chỉ cấm việc ép phụ huynh, học sinh mua sách tham khảo mà phải cấm mọi hình thức “khuyến khích” đưa sách tham khảo vào trường học.
“Nếu không quản lý chặt chẽ sách tham khảo thì sẽ đi ngược lại mục đích giảm tải chương trình giáo dục” - Phó Thủ tướng nói.
Trước những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, đây là năm học đầu tiên chúng ta có sách giáo khoa theo chương trình mới, dù chưa dạy chính thức nhưng qua tập huấn, các giáo viên đánh giá chất lượng tốt hơn trước.
Lần đầu tiên, chúng ta có nhiều bộ sách giáo khoa để lựa chọn, là động lực thúc đẩy các nhóm biên tập, nhà xuất bản. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng một nhà xuất bản không nên có quá nhiều bộ SGK khác nhau khiến nguồn lực bị phân tán, chất lượng biên soạn không được bảo đảm.
Về thực tế ở một số nơi xuất hiện tình trạng thiếu sách giáo khoa, Bộ GDĐT cam kết sẽ có những giải pháp không để xảy ra tình trạng như vừa qua. Bộ GDĐT sẽ khẩn trương áp dụng công nghệ thông tin cho phép từng học sinh đăng ký mua sách giáo khoa qua mạng, nơi nào chưa có mạng thì hệ thống bưu điện sẽ thống kê giúp để các nhà xuất bản nắm được đầy đủ nhu cầu để chuẩn bị, sau đó chuyển trực tiếp đến tận tay học sinh.
Bên cạnh đó, hệ thống này cũng sẽ cho phép học sinh đăng ký nhận sách cũ, học lại, để giảm số lượng sách in mới, tiết kiệm chi phí.