Các nhà đầu tư ngoại ngày càng quan tâm đến Việt Nam
Doanh nghiệp Việt tăng rót tiền đầu tư ra nước ngoài Nhà đầu tư ngoại giảm góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt |
Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề ''Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá", ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sau khi được thành lập, Tổ công tác về thu hút đầu tư nước ngoài đã bắt đầu làm việc với nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài.
Theo ông Hoàng, Tổ công tác đã làm việc trực tiếp lẫn trực tuyến với rất nhiều tập đoàn công nghệ của nước ngoài về các dự án có tính cạnh tranh cao, giá trị lên đến tỷ USD. Tuy nhiên, ông Hoàng không công bố thông tin cụ thể do các doanh nghiệp đề nghị giữ bí mật.
Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tần suất các nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam ngày càng tăng lên. Ông này cũng lý giải sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay đến từ các yếu tố bên trong của nội tại của nền kinh tế và các tác động của yếu tố bên ngoài.
Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài. Ảnh: MPI. |
Cụ thể, các yếu tố bên trong, các điểm lợi thế, thuận lợi sẵn có của môi trường đầu tư Việt Nam, gồm: Chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường rộng lớn, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn, nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng và vị trí địa lý thuận lợi.
Bên cạnh đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách chính sách, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động thành công tại Việt Nam.
Ngoài ra, sự thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam thời gian qua cũng tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài, tăng thêm uy tín cho Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.
Về các yếu tố bên ngoài, theo ông Hoàng thì phải kể đến là xung đột thương mại giữa nền kinh tế lớn khiến các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế suất cao.
Theo ông Hoàng, đại dịch Covid-19 và các hệ quả nặng nề của nó khiến các quốc gia, các tập đoàn quốc tế đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu đầu tư nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác.
Một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã ban hành chính sách ưu đãi và gói hỗ trợ để kêu gọi các công ty dịch chuyển dây chuyền sản xuất về nước hoặc đầu tư sang nước thứ 3 nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trong đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để đón làn sóng chuyển dịch này do có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư cũng như sự thành công trong việc kiểm soát dịch thời gian vừa qua.
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, chúng ta phải nhìn một cách rất thực tế, cho đến nay đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đến từ “các thiên đường thuế” rất nhiều, phần lớn đầu tư đến từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc, trongg khi đó không có hoặc rất ít đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ và châu Âu.
"Chúng ta rất kỳ vọng đầu tư từ Hoa Kỳ và từ châu Âu với kỳ vọng những đầu tư này là đầu tư chất lượng cao. Những đầu tư này sử dụng công nghệ cao hơn, không sử dụng chi phí lao động thấp, loại đầu tư này rất phù hợp với chúng ta khi chúng ta muốn cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng'', vị chuyên gia nhận định.
Vị chuyên gia cũng phân tích thêm, với những nhà đầu tư chất lượng cao, họ muốn chính sách phải ổn định, cụ thể, dự đoán được và không phát sinh chi phí phi chính thức. Vì vậy, theo ông Cung thì yếu tố thể chế, môi trường đầu tư tại Việt Nam cần tiếp tục thay đổi.
Về vấn đề này, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Việt Nam đang tích cực cải thiện về vấn đề pháp luật, thể chế, theo hướng đơn giản hoá thủ tục, tăng cường phân cấp, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Nói thêm tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài sẽ theo hướng có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu theo tinh thần của Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
''Cơ hội là rất lớn nhưng để có thể đón được làn sóng đầu tư theo đúng định hướng, yêu cầu của ta thì cần có sự phối hợp, vào cuộc của nhiều bộ, ngành Trung ương cũng như các địa phương'', ông Hoàng cho biết.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt gần 20 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm thấp hơn nhiều so với thế giới và các nước trong khu vực. Trong đó, riêng vốn thực hiện đạt 11,3 tỷ USD, chỉ giảm 5,1% so với cùng kỳ. Đây là những tín hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.