Các doanh nghiệp bất động sản nên giảm đòn bẩy tài chính
Các giải pháp “giải vây” cho bất động sản Khó khăn nào bủa vây doanh nghiệp bất động sản? |
Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định, cơ hội mở ra đầu tiên cho thị trường bất động sản năm 2024 chính là tin vui về hoàn thiện thể chế, pháp lý cho thị trường khi Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật về Các tổ chức tín dụng.
Theo ông Sinh, thời quan qua, Chính phủ đã tích cực trình Quốc hội 4 dự án luật lớn để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tất cả dự án luật sửa đổi đã được thông qua với nhiều chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư và nhiều điểm có hiệu lực ngay, đáp ứng nhu cầu tháo gỡ pháp lý cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Ở chiều ngược lại, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng có 2 thách thức đối với thị trường bất động sản năm 2024 là sự bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm và giá thành sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng. |
Ông Sinh cho biết, từ đầu năm 2024, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại các phân khúc, hạ giá thành sản phẩm; có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực.
Theo ông Sinh, để thị trường bất động sản tốt hơn, các doanh nghiệp bất động sản nên thực hiện các giải pháp tiết kiệm, thiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền.
“Chính phủ đã vào cuộc hỗ trợ mạnh mẽ rồi, doanh nghiệp cũng cần phải chia sẻ khó khăn, cùng giảm giá thành mạnh hơn nữa, tiệm cận với khả năng của người mua, nếu không đây sẽ là một thách thức không nhỏ trong năm 2024”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói.
Ngoài ra, theo ông Sinh, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn vốn, bên cạnh tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…
Đồng thời, việc huy động vốn cần gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể, giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải, đầu tư cần tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản.
Trong hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp khi trao đến tay khách hàng phải đảm bảo về tính pháp lý; đảm bảo chất lượng về thiết kế, công năng; bố trí đầy đủ về hạ tầng xã hội; đa dạng và đồng bộ về tiện ích, dịch vụ.