Các giải pháp “giải vây” cho bất động sản

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Bộ Xây dựng vừa đưa ra một số kiến nghị, giải pháo để đảm bảo thị trường bất động sản trong thời gian tới tiếp tục phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh...
Khó khăn nào bủa vây doanh nghiệp bất động sản? Hơn 1 triệu tỷ đồng vốn ngân hàng rót vào bất động sản

Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới, cơ quan này sẽ tập trung, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản nhất là quy định về trình tự, thủ tục triển khai các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, khu đô thị mới để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với các luật, tránh khoảng trống pháp lý.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động của tổ công tác, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bất động sản, nhất là các dự án nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ tiếp tục chủ trì đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án bất động sản, kiên quyết xử lý các trường hợp gây khó khăn, phiền hà, xử lý lòng vòng gây chậm trễ cho người dân và doanh nghiệp.

Các giải pháp “giải vây” cho bất động sản
Thị trường bất động sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn từ thực tế, và đồng bộ với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi),

Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập các tổ công tác chuyên trách để đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng,... giải quyết các vướng mắc liên quan đến giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm; xem xét, xử lý ngay các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng đề nghị tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để tăng nguồn cung cho thị trường.

Còn với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đề nghị khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Theo đó, Bộ Tài chính cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá rõ sự cần thiết, đề xuất cụ thể phương án, cơ chế, chính sách phù hợp để đưa ra phương án nhằm đảm bảo phù hợp nhất với tình hình thực tế và xây dựng thị trường trái phiếu nói chung và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nói riêng phát triển một cách bền vững.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng đề nghị tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, tín dụng bất động sản để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tiếp tục rà soát, có giải pháp thiết thực hiệu quả thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn, dòng tiền.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương đẩy nhanh việc lập, phê duyệt các quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị làm cơ sở để triển khai các dự án, nhất là các dự án nhà ở thương mại có mức giá phù hợp, trong đó lưu ý quy hoạch phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Cùng với đó, các địa phương cần công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, công bố công khai danh mục các dự án bất động sản phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin, chủ động nghiên cứu, đăng ký tham gia, đề xuất đầu tư một cách công khai, minh bạch.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; tập trung đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư; giao đất, cho thuê đất; xác định giá đất, sớm triển khai thực hiện các dự án bất động sản, trong đó ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản công nghiệp nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Mặt khác, các địa phương cần tiếp tục tập trung rà soát, thống kê, tổng hợp danh mục các dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn; phân loại xác định các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, nguyên nhân và cấp có thẩm quyền giải quyết; chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung xử lý dứt điểm và xem xét quyết định ngay các vướng mắc thuộc thẩm quyền, nhất là các vướng mắc về giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất cụ thể.

Hậu Lộc
Phiên bản di động