Khó khăn nào bủa vây doanh nghiệp bất động sản?

Các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh, ngoài vấn đề tín dụng thì nan giải nhất vẫn là pháp lý.
Hơn 1 triệu tỷ đồng vốn ngân hàng rót vào bất động sản Bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất

Theo Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2023 vẫn gặp nhiều khó khăn khi số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới chỉ có 4.725 doanh nghiệp, giảm 45,01% so với năm 2022.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 1.286 doanh nghiệp (tăng 7,7%) và 3.705 doanh nghiệp (tăng 47,4%) so với năm trước.

Mặt khác, tình trạng cắt giảm nhân sự tại các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang diễn ra không chỉ đối với các doanh nghiệp nhỏ mà cả các doanh nghiệp bất động sản lớn trên thị trường.

Nêu một số khó khăn các doanh nghiệp bất động sản đang gặp phải, Bộ Xây dựng cho biết, việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên...

Khó khăn nào bủa vây doanh nghiệp bất động sản?
Ảnh minh họa.

Đồng thời, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản, cụ thể như: trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án; …

Bên cạnh đó, khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án (phải giãn tiến độ, dừng triển khai). Khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023…

Theo Bộ Xây dựng, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp, Chính phủ đã có các biện pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy, tạo được sự chuyển biến rất tích cực có tính lan tỏa từ các bộ, ngành đến các địa phương.

Cụ thể, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của UBND cấp tỉnh, để kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, tạo điều kiện để tiếp cận thuận lợi thị trường vốn, tín dụng và tháo gỡ được các “vướng mắc pháp lý” cho dự án bất động sản…

Theo đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, kinh doanh bất động sản đã được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục, pháp lý dự án.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn có một số vướng mắc, đặc biệt là liên quan đến pháp luật về đất đai, về thủ tục giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất…tại nhiều dự án, nhiều địa phương.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tín dụng đã được điều chỉnh giảm nhiều lần trong năm; Ngân hàng Nhà nước đã tích cực chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung thực hiện cho vay, giải ngân đối với các dự án bất động sản đủ điều kiện; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ cho vay đối với dự án nhà ở xã hội, cải tạo xây dựng chung cư cũ.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc rà soát tháo gỡ và thực hiện thủ tục để triển khai các dự án của các địa phương cũng còn chậm.

Hậu Lộc
Phiên bản di động