Các doanh nghiệp bất động sản đang chuẩn bị cho đợt phục hồi
Nhà đầu tư ngoại đặt kỳ vọng khi 3 luật về bất động sản có hiệu lực Hơn 1,2 triệu tỷ động tiền ngân hàng đổ vào bất động sản |
Theo số liệu báo cáo thì tình hình hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có sự cải thiện hơn khi số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 2.210 doanh nghiệp (tăng 1,4%), số lượng các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 1.577 doanh nghiệp, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi còn chậm, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay đàn có kế hoạch mở rộng quỹ đất để phát triển dự án, theo đó, pháp lý, tính thanh khoản, tiền sử dụng đất… là những tiêu chí hàng đầu mà doanh nghiệp lựa chọn để đầu tư.
Ảnh minh họa. |
Đặc biệt, thời gian gần đây thị trường cho thấy có một số dấu hiệu các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có những chiến lược phát triển quỹ đất để chuẩn bị cho thời điểm phục hồi của ngành bất động sản.
Theo đó, doanh nghiệp nghiêm túc và tính toán kỹ hơn về phương án, tìm hiểu thị trường để làm sao các dự án đất sạch hoàn chỉnh về mặt pháp lý, nộp đầy đủ tiền sử dụng đất và có thể đưa vào khai thác trong các năm tới.
Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê văn phòng và nghỉ dưỡng cũng hướng đến các quỹ đất phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của mình trong thời gian tới.
Thời gian tới, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục đôn đốc, tháo gỡ các vướng mắc, nhất là về pháp lý, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ cấp phép, triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương có giải pháp cụ thể, nghiên cứu rút gọn các quy trình thủ tục đầu tư để đẩy nhanh thực hiện dự án nhà xã hội, không để lãng phí quỹ đất sạch, đồng thời giải quyết triệt để các vướng mắc về các thủ tục, quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, đầu tư cơ sở hạ tầng xung quanh các dự án, tiền sử dụng đất...
Các địa phương cũng cần triển khai thực hiện việc đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền liên quan đến dự án bất động sản, nhất là các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, thủ tục thẩm định hồ sơ thiết kế, thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu.
Cùng với đó là nghiên cứu các giải pháp nhằm rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường, đặc biệt là tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.