Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nhân viên y tế trường học
Hà Nội hiện thiếu 423 nhân viên y tế trường học |
Theo đó, đối tượng của chương trình là nhân viên y tế trường học chuyên trách; cán bộ, giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên biệt và giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo Quyết định, khối lượng kiến thức bồi dưỡng gồm có 08 học phần và kiểm tra cuối khóa. Thời lượng 84 tiết, trong đó lý thuyết trên lớp 44 tiết; thực hành 40 tiết; kiểm tra cuối khóa 04 tiết.
Nội dung 8 học phần gồm: Tổng quan về y tế trường học và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh; vệ sinh trường học; dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; một số bệnh, tật thường gặp ở học sinh; sức khỏe tâm thần, giới, giới tính, sức khỏe sinh sản và phòng chống tác hại của chất gây nghiện; phòng, chống tai nạn thương tích và sơ cấp cứu ban đầu; truyền thông giáo dục sức khỏe; Công tác quản lý sức khỏe học sinh.
Kỹ năng cần đạt là thực hành được các kỹ năng cơ bản về dự phòng, phát hiện sớm, tư vấn, xử trí ban đầu, chuyển tuyến khi học sinh bị ốm đau/tai nạn, quản lý các yếu tố vệ sinh trường học, phòng chống tai nạn thương tích, truyền thông giáo dục sức khỏe, lập kế hoạch, xây dựng báo cáo, quản lý được hồ sơ tài liệu, sử dụng được các ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi các vấn đề sức khỏe cho học sinh trong trường học.
Ảnh minh họa |
Kết thúc mỗi học phần, học viên được đánh giá thông qua bài kiểm tra hoặc kết quả thảo luận nhóm hoặc kết quả thực tập tình huống. Hoạt động đánh giá này là nhằm xác định mức độ đạt được các mục tiêu về kiến thức, thái độ và kỹ năng ở từng học phần của học viên.
Kết quả đánh giá mỗi học phần được chấm theo thang điểm 10. Học viên có kết quả đánh giá dưới 5 điểm thì không đạt yêu cầu và phải đánh giá lại. Học viên phải tích lũy đủ điểm đánh giá đạt yêu cầu ở tất cả các học phần mới được tham gia làm bài kiểm tra, thực hành cuối khóa.
Bài kiểm tra cuối khóa được xây dựng dựa trên yêu cầu kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ mà học viên phải đạt được. Bài kiểm tra, thực hành cuối khóa được chấm theo thang điểm 10. Học viên đạt từ điểm 5 trở lên thì được đánh giá đạt yêu cầu.
Cơ quan chủ trì tổ chức lớp bồi dưỡng (Sở GD&ĐT, Sở Y tế hoặc Phòng GD&ĐT, Trung tâm y tế cấp huyện, cơ sở đào tạo) căn cứ kết quả đánh giá để cấp giấy chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng toàn khóa cho học viên.