Hà Nội hiện thiếu 423 nhân viên y tế trường học

TTTĐ - Qua khảo sát, Sở Giáo dục và Đào tạo nhận thấy rằng công tác y tế trong trường học rất quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên hiện nay, toàn TP đang thiếu 423 nhân viên y tế trường học, riêng khối THCS thiếu 88 người.
Số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội tăng nhưng nhiều ca nhẹ, điều trị tại nhà HĐND TP Hà Nội chất vấn về công tác phòng, chống dịch COVID-19 Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”

Sáng 9/12, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ ba, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm tới công tác phòng, chống dịch tại các trường học cũng như giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến trong bối cảnh hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu câu hỏi chất vấn
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Hoàng Mai) nêu câu hỏi chất vấn

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Hoàng Mai) bày tỏ, việc tổ chức dạy và học trực tuyến kéo dài đã nảy sinh những bất cập trong cơ sở vật chất và giám sát chất lượng học tập. Trước diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, đại biểu đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết phương án thời gian tới để nâng cao chất lượng học trực tuyến?

Đại biểu Vũ Thị Bích Hiền (tổ Sóc Sơn) cho biết, nhiều cử tri còn băn khoăn trước một số tiêu chí rà soát, giãn cách tại trường học. Trong khi hiện nay nhiều trường ở huyện không có nhân viên y tế. Vậy giải pháp của ngành Giáo dục Thủ đô là gì để khắc phục tình trạng này và đảm bảo việc phòng, chống dịch tại trường học?

Một số đại biểu cũng quan tâm tới phương án, giải pháp tổng thể về việc học trực tuyến kết hợp trực tiếp nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài?

Trả lời chất vấn các đại biểu, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương chia sẻ: Hà Nội có 2.820 trường học, xấp xỉ 2,2 triệu học sinh. Sau 7 tháng học sinh không được đến trường, Sở đã tham mưu cho khối 9 huyện Ba Vì trở lại trường và sau 2 tuần đã tham mưu khối 9, 12 các quận, huyện đi học. Đến nay đã có 64 nghìn học sinh đi học an toàn.

Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT xác định vừa tổ chức kết hợp học trực tuyến và trực tiếp, đảm bảo thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, chú trọng tinh giản chương trình, tập trung vào nội dung cốt lõi; Chủ động rà soát kết quả học trực tuyến và bổ sung kiến thức cần thiết, tránh gây áp lực quá tải với học sinh; Quản lý chặt chẽ kỷ luật nề nếp học tập của học sinh, kiểm tra đánh giá chất lượng dạy học.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương trả lời chất vấn
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương trả lời chất vấn

Về triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, TP đã trao được hơn 7 nghìn thiết bị học tập cho các em. Sở và các nhà mạng đã lắp đặt mạng Internet tại hơn 100 thôn, làng, bản. Giám đốc Sở GD&ĐT cũng cho biết hiện nay Sở đang tập trung bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên để nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến.

Về việc thiếu nhân viên y tế trong trường học, ông Trần Thế Cương cho biết, theo số liệu thống kê, toàn TP thiếu 423 nhân viên y tế trường học, riêng khối THCS thiếu 88 người. Nguyên nhân do từ năm 2015, TP tạm dừng tuyển dụng nhân viên y tế tại trường học công lập.

Cũng theo ông Cương, qua khảo sát, Sở nhận thấy rằng công tác y tế trong trường học rất quan trọng. Vì thế, ông Trần Thế Cương đề xuất cho phép ngành GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ tiếp tục tuyển dụng nhân viên y tế trường học, nếu không thì được ký hợp đồng với các nhân viên y tế có trình độ chuyên môn; Tăng cường phối hợp giữa cơ sở giáo dục các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã.

Trả lời đại biểu về đảm bảo an toàn cho học sinh quay lại trường học, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết Sở đã phối hợp với Sở Y tế ban hành tiêu chí an toàn trường học để xác định rõ “an toàn trường học” là thế nào, trong đó đảm bảo một cung đường 2 điểm đến, không tổ chức ăn bán trú, giáo viên phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin mới được dạy học trực tiếp.

Ông Trần Thế Cương cũng cho biết, với khối lớp 12, tùy theo từng cấp độ dịch ở các phường mà có phương án cho học sinh quay lại trường học. “Kính mong phụ huynh và giáo viên quan tâm thường xuyên nhắc nhở học sinh tự giác phòng dịch, nếu cùng có trách nhiệm thì chắc chắn việc tổ chức dạy học trực tiếp sẽ thành công” – ông Cương nói.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động