Bộ Y tế ban hành thông tư về yêu cầu với sữa học đường

Ngày 5/12, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BYT quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình sữa học đường.
Nhiều HS trường Tiểu học Tân Mai nôn, đau bụng, đồng loạt nghỉ ốm Kiểm tra công tác an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể và kiểm soát sữa học đường Hiệu trưởng “ăn chặn” hàng nghìn hộp sữa của học sinh tiểu học Sữa học đường và những thông tin khiến phụ huynh lo lắng?

Thông tư này quy định đối với yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Theo đó, Thông tư nêu rõ: "Các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường bao gồm sữa tươi nguyên chất tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng đáp ứng các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT ban hành kèm theo Thông tư số 30/2010/TT-BYT ngày 2/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế và yêu cầu quy định tại Điều 4, Điều 5 của Thông tư”.

bo y te ban hanh thong tu ve tieu chuan sua hoc duong
Ảnh minh họa

Về yêu cầu đối với các vi chất dinh dưỡng trong các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, Thông tư của Bộ Y tế yêu cầu phải bảo đảm đủ 21 vi chất dinh dưỡng với hàm lượng được quy định cụ thể theo Thông tư này. Cụ thể, 21 vi chất dinh dưỡng bao gồm: Vitamin D3, canxi, sắt, vitamin A, E, C, B1, B2, B3, B5, B6, B7, B12, axit folic, vitamin K1, kẽm, đồng, i ốt, selen, phospho, magie.

Nguyên liệu đầu vào của sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường phải bảo đảm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu ban hành kèm theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29-12-2017 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Thông tư cũng nói rõ, các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường mà các địa phương đã đấu thầu (tính từ thời điểm mở thầu) cung cấp cho các Trường mẫu giáo và Tiểu học trước ngày Thông tư có hiệu lực được sử dụng cho đến hết số lượng theo Hợp đồng đã và sẽ ký hết.

Thông tư này chính thức có hiệu lực ngày 20/1/2020.

Chương trình sữa học đường được Thủ tướng phê duyệt tháng 7/2016. Hơn 2 tháng sau, Bộ Y tế ban hành Quyết định 5450, quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi trong chương trình sữa học đường. Tuy nhiên, quyết định này không quy định rõ cần bổ sung bao nhiêu vi chất và hàm lượng từng vi chất là bao nhiêu.

Điều này gây nhiều tranh cãi trên truyền thông và mạng xã hội.

Hiện tại đã có 15 tỉnh triển khai chương trình sữa học đường như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Bắc Ninh, Sơn La... Tại Hà Nội, sản phẩm sữa học đường được sử dụng từng bổ sung 10 vitamin và 4 khoáng chất.

Chương trình sữa học đường ở một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan triển khai nhiều năm. Chương trình được cho là giúp giảm tình trạng suy dinh dưỡng, tăng chiều cao của trẻ em (Trung Quốc tăng 2 cm, Thái Lan tăng 5 cm).

D.Minh
Phiên bản di động