Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người tung tin giả, xấu, "độc" có thể đi tù

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thủ tướng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả.
Quốc hội chất vấn Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhận trách nhiệm về quy định gây phiền hà, hơn 20 năm chưa sửa

Đọc tin xấu là vô tình nuôi sống tin xấu

Sáng nay, 8/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về 3 nhóm vấn đề liên quan đến quản lý báo chí, mạng xã hội và xây dựng Chính phủ điện tử.

Trả lời về vấn đề tin giả, tin độc xấu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, câu chuyện tin giả, xấu mang tính toàn cầu, không chỉ riêng nước ta. Các nước cũng đang tìm cách giải quyết tin xấu trên mạng xã hội.

Ông Hùng cho biết, vấn đề chính là do hành lang pháp lý. Hiện Việt Nam và các quốc gia đều có quy định riêng để xử lý tin sai, tin độc xấu. Các nước trong khu vực ASEAN vừa mới có quy định xử lý an ninh mạng là Singapore.

bo truong nguyen manh hung nguoi tung tin gia tin doc co the di tu
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định)

Tinh thần xử lý của nước này rất nghiêm minh, mang tính răn đe cao. Không chỉ phạt mấy chục triệu như nước ta mà số tiền lên đến hàng chục triệu đô la và có thể đi tù. Một số người đứng đầu mạng xã hội cũng phải đi tù. "Chúng ta cũng phải ban hành quy định này. Hiện bộ đang phối hợp với Bộ Công an để xây dựng quy định này", ông Hùng nói.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, hầu hết tin giả, xấu độc đều được lan truyền trên các mạng xã hội do các công ty nước ngoài quản lý. Hiện Bộ đã có nhóm làm việc chuyên trách cùng với Tổng cục thuế, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước làm việc thường xuyên với các nền tảng này.

Trong đó tập trung vào việc có thể tìm ra danh tính các tài khoản trên mạng xã hội để tránh việc nhiều người nghĩ mạng xã hội không tìm được nên cố tình đưa tin giả, tin xấu. Mặt khác, phải có công cụ tự động xóa bỏ và hợp tác với cơ quan nhà nước để gỡ bỏ tin xấu độc.

"Tin xấu độc nhiều khi do chính ta mà ra, nên vấn đề giáo dục sống trên không gian mạng rất quan trọng. Bộ TT&TT đang làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có chương trình giáo dục cách ứng xử, sống trên không gian số cho học sinh. Nếu như chúng ta đọc một tin xấu vô tình nuôi cho tin xấu sống, người đưa tin xấu tăng view có thu nhập", ông Hùng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, kể từ khi có Luật An ninh mạng, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này đã nâng cao hiệu quả, hiệu lực. Ông lấy ví dụ, trước đây với Facebook chúng ta yêu cầu 100 việc thì họ chỉ thực hiện 20-30%, còn bây giờ là 70%...Mới đây, Facebook cũng tuyên bố là không chấp nhận các tin quảng báo về chính trị.

Về nội dụng trên, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) giơ biển, tranh luận, thông tin xấu độc lan tỏa rất nhanh, chúng ta cần có bộ lọc phát hiện cách ly làm sao để người đọc không tiếp cận thông tin đó.

"Một số đối tượng làm giả trang mạng của Chính phủ, các trang lấy tên các lãnh đạo cao cấp, thậm chí ban đầu đưa ra tin chính thống rồi lồng ghép thông tin sai vào, kiểu hư hư thực thực khiến chúng tôi không phân biệt được", đại biểu Tuấn bày tỏ.

“Báo hóa” tạp chí là sai luật

Trả lời chất vấn đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) về tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Đây là hoạt động sai Luật báo chí.

Theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta quản lý báo chí thông qua tôn chỉ, mục đích vì báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản và mỗi cơ quan chủ quản đều có lĩnh vực hoạt động của mình.

Luật quy định, tạp chí khác báo ở chỗ là tập trung vào chuyên ngành và định kỳ. Vừa qua có tình trạng một số tạp chí cũng điều tra, phóng sự, tin thời sự, tin chính trị vượt quá tôn chỉ mục đích cũng như các quy định về tạp chí.

Bộ đã nhìn thấy vấn đề và gần đây đã có một buổi họp của Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Chính phủ, Hội nhà báo và Bộ Thông tin và Truyền thông để bàn câu chuyện trên và thống nhất đưa ra những giải pháp.

Một là về mặt quy định pháp luật, chúng ta phải làm tường minh câu chuyện thế nào là chuyên ngành, thế nào là định kỳ. Hai là quy hoạch lại các cơ quan báo chí. Khi quy hoạch lại bao gồm việc cấp lại giấy phép, trong giấy phép đó có phần tôn chỉ, mục đích thì phải làm rõ của từng cơ quan báo chí.

“Hiện nay có một tình trạng các báo, tạp chí cùng đưa một sự kiện mà đáng lẽ là mỗi một tờ báo cần làm sâu lĩnh vực của mình để tạo một không gian toàn cảnh cho đất nước hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động