Bộ trưởng Bộ VHTT&DL : Du lịch không phải là “ngôi sao cô đơn"
Phát cuồng với bé gái thần thái hút khách du lịch trên Sa Pa |
Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện |
Sáng 6/6, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (đoàn Hà Nội) về điểm nghẽn và giải pháp đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, hạ tầng giao thông, sân bay quá tải là điểm nghẽn đầu tiên. Nhiều sân bay không có đủ chỗ đỗ máy bay, làm thủ tục rất lâu.
Điểm nghẽn nữa là vấn đề thị thực. Trong khi nhiều nước trong khu vực ASEAN đã miễn visa cho khoảng 160 nước thì Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia. Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng khá cao tiềm năng đầu vào để phát triển du lịch ở Việt Nam, song mức độ yêu cầu về thị thực nhập cảnh chỉ đứng thứ 116 trên tổng số 136 quốc gia được đánh giá.
Vấn đề xúc tiến quảng bá du lịch cũng là một điểm nghẽn khi mỗi năm Việt Nam chỉ đầu tư khoảng 2 triệu USD kinh phí, trong khi Thái Lan, Indonesia chi khoảng gần 100 triệu USD. Việt Nam gần như không có văn phòng đại diện ở nước ngoài để xúc tiến quảng bá du lịch, chủ yếu dựa vào các Đại sứ quán, trong khi Thái Lan có 28 văn phòng.
Ngoài ra, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà quản lý khách sạn 4-5 sao thì phải thuê người nước ngoài. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Du lịch cho rằng du lịch không phải là “ngôi sao cô đơn”, muốn du lịch phát triển thì phải có sự vào cuộc của toàn xã hội. Thời gian vừa qua, nhờ sự vào cuộc này mà du lịch mới đạt được kết quả như vừa rồi.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết thêm, hiện cả nước chia thành 7 vùng du lịch, trên cơ sở này các tỉnh, thành phát triển du lịch địa phương. “Tuy nhiên, đúng là liên kết các vùng du lịch, nhất là liên kết về hạ tầng, sản phẩm du lịch hiện còn yếu, hạn chế", ông Thiện thừa nhận.
Khắc phục hạn chế này, ông Thiện cho rằng, không còn cách nào khác là chính quyền địa phương phải nhận thức và làm tốt hơn trong liên kết về du lịch. Chẳng hạn, du khách tới khu vực miền Trung thì 3 địa phương là Huế, Quảng Bình, Quảng Trị... phải liên kết chặt chẽ để phát triển các sản phẩm du lịch đủ sức hấp dẫn.
Trước đó, chiều 5/6, nêu thực trạng tour du lịch 0 đồng đang gây thất thu thuế, chất lượng thấp, đại biểu Nguyễn Thị Xuân ( đoàn Đắk Lắk) chất vấn: "Bộ đã tính toán thiệt hại như thế nào từ các tour 0 đồng và giải pháp khắc phục?". Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, đây là vấn đề mà ngành du lịch và toàn xã hội quan tâm. Bản chất tour 0 đồng là có hành vi tiêu cực, có thể cắt chương trình, đưa du khách vào nơi mua sắm chứ không phải du lịch nên cần phải kiên quyết chống.
Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Thiện cho rằng, phải làm việc với các nước có tour này để ngăn chặn; Đồng thời, tuyên truyền cho du khách biết tiêu cực của tour 0 đồng, tăng cường thanh - kiểm tra, giám sát công ty, hướng dẫn viên thực hiện tour này. Ông cũng đề xuất muốn xử lý tận gốc cần có sự chung tay của các Bộ: Công an, Công Thương và các ban, ngành liên quan.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đặng Thị Phương Thảo ( đoàn Nam Định) liên quan đến các cuộc thi sắc đẹp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, Bộ chấp hành nghiêm Nghị định 79 về số lượng các cuộc thi hoa hậu. Tuy nhiên, theo ông, các cuộc thi tổ chức rất nhiều vòng dẫn đến lầm tưởng vượt quá số lượng. Ông Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, tất cả cuộc thi đều phải được cấp phép nhưng một số thủ tục ở đây làm không đúng. Ông thông tin tháng 10 tới sẽ trình Chính phủ nghị định mới, trong đó có những biện pháp xử lý triệt để vấn đề trên.