Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Không phải tách luật là chia luật, chia quyền

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: Không phải tách luật là chia luật, chia quyền.
Bộ trưởng Tô Lâm: Cần bỏ sổ hộ khẩu, quản lý dân cư bằng phương pháp mới Bộ trưởng Tô Lâm nói về công tác sắp xếp tổ chức, nhân sự Công an Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đăng đàn đầu tiên trả lời chất vấn

Cuối phiên thảo luận chiều 16/11, báo cáo giải trình một số vấn đề về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Lý do tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật là Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ là xuất phát từ công tác trật tự ATGT.

Bộ Công an với trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, Chính phủ cũng xác định rõ đây là trách nhiệm của ngành công an, xác định trật tự ATGT là 1 bộ phận quan trọng của trật tự an toàn xã hội. Vì vậy Chính phủ cũng đã được Quốc hội, cơ quan của Quốc hội đồng ý cho đề xuất xây dựng dự thảo luật này.

"Trong báo cáo tác động cũng như trong báo cáo đề xuất đã nói rất rõ trách nhiệm về bảo đảm trật tự ATGT là của Bộ Công an” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Bộ trưởng cũng khẳng định, nếu Quốc hội đồng ý ban hành luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, giao trách nhiệm cho Bộ Công an thì sẽ không tăng biên chế, chi phí không tăng, không lãng phí, không tăng về thủ tục hành chính.

"Chúng tôi đã thảo luận rất kỹ trong tập thể Đảng ủy công an Trung ương, các cơ quan chuyên trách nhận trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước, trước Quốc hội, Nhân dân về vấn đề bảo đảm trật tự ATGT", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, thực tế không phải là tách luật mà quá trình làm luật và sự phát triển chung thì các quy định ngày càng đi vào lĩnh vực cụ thể, quy định chi tiết, nhất là vấn đề liên quan quyền con người, quyền công dân. Trên thực tế đã có nhiều luật, ban đầu từ 1 luật sau đó phát triển thành nhiều luật, ví dụ như là Luật Đầu tư, giờ có Luật Đầu tư, Đầu tư công, Hợp tác công tư hay Luật Tố cáo khiếu nại trước đây giờ có Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại.

"Rất nhiều luật chuyên ngành càng đi vào cụ thể, chứ đây không phải là việc tách luật, chia quyền, chúng tôi thấy không có thứ đó" - Bộ trưởng khẳng định.

Vị trưởng ban soạn thảo dự án luật cũng cho biết, quá trình soạn thảo luật này đã nhận được rất nhiều ý kiến cử tri đề nghị với Luật bảo đảm trật tự ATGT đường bộ phải phổ cập toàn xã hội, từ các cháu bé đến cụ già đều phải được tuyên truyền về luật này. Những người tham gia giao thông phải học, thi, sát hạch, phải thực hiện nghiêm túc những điều luật này nên có ý kiến có đề nghị soạn thảo dễ nhớ, dễ đọc, ngắn gọn, nếu dài là khó học thuộc, khó triển khai khi tổ chức thực hiện. Do đó, nếu nội dụng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để chung với hạ tầng giao thông và các vấn đề khác nữa thì quá dài.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, hai luật này được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là hai Bộ: Công an, Giao thông vận tải nhất trí cao là không làm ảnh hưởng lẫn nhau và không vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân

Trước đó, trong phiên thảo luận buổi sáng, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn với việc tách quy định về ATGT đường bộ ra khỏi Luật.

Các đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị), Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) và một số đại biểu nêu, giao thông đường bộ là một thể thống nhất được liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa bốn thành tố: Kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người điều khiển phương tiện và quy tắc giao thông.

Do đó, các đại biểu cho rằng, việc tách một số nội dung của Luật Giao thông đường bộ để hình thành dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là chưa hợp lý

Ở chiều ngược lại, đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu quan điểm đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật mới.

Nữ đại biểu thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Lắk chỉ ra 4 lý do, trong đó, việc tách bạch giữa các quy định về đảm bảo trật tự ATGT đường bộ với các quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ là xu hướng chuyên sâu hóa trong xây dựng pháp luật của nước ta hiện nay, đồng thời phù hợp với kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) tán thành việc xây dựng Luật Đảm bảo trật tự ATGT đường bộ như tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh: Trong thực tiễn cũng như trong xây dựng luật, nếu tư duy không thay đổi thì rất khó đòi hỏi kết quả đột phá như kỳ vọng.

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động