Bỏ lỡ du học vì COVID-19: Chuyên gia bày kế hoá giải khủng hoảng

Lo lắng, hồi hộp, mất phương hướng là tình trạng chung của các học sinh lớp 12 có dự định du học nước ngoài nhưng bị “mắc kẹt” tại Việt Nam trong vòng xoáy của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới. Vậy làm thế nào để tránh khỏi khủng hoảng, luôn giữ tinh thần bình tĩnh, lạc quan?
9X bứt phá sau hai năm bỏ bê học hành Nữ sinh Việt ở trời Tây chia sẻ kinh nghiệm “rinh” học bổng du học Du học sinh siêu lây nhiễm gây ra 2 ổ dịch, thành phố bị phong tỏa Du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc cùng hỗ trợ nhau phòng, chống dịch Covid-19

Mọi kế hoạch đảo lộn vì COVID-19

Chị Nguyễn Thị Thu Thuỷ (tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu) định hướng cho con gái đi du học từ năm con học lớp 11. Đến nay, khi bé đang ôn tập trong năm học cuối cấp thì dịch bệnh COVID-19 làm mọi kế hoạch đảo lộn.

“Tháng 2.2020, con tôi có hồ sơ chấp nhận của 3 trường Đại học ở nước ngoài. Tôi nấn ná chưa đóng tiền đặt cọc với trường mà chờ xem tình hình dịch bệnh thế nào. Con rất buồn vì mọi thứ đã chuẩn bị sẵn nay thì không thực hiện được. Trong khi đó, nếu quyết định học đại học ở trong nước thì giấc mơ du học tiêu tan” – chị Thuỷ trầm ngâm.

Bỏ lỡ du học vì COVID-19: Chuyên gia bày kế hoá giải khủng hoảng

Việc lo lắng và mất phương hướng của các bạn học sinh sắp sửa du học hiện nay không hiếm, dường như là tình trạng chung của những học sinh ấp ủ kế hoạch du học từ lâu. Tâm lý bất an này có thể kéo theo các ảnh hưởng tiêu cực cho những người xung quanh như gia đình, bạn bè... Vì thế, việc tìm kiếm các giải pháp kiểm soát cảm xúc trong thời điểm này rất quan trọng.

Ông Lê Minh Huân (Giảng viên khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TPHCM) đã đưa ra lời khuyên, trước lựa chọn dừng hay tiếp tục học, mỗi học sinh phải cân nhắc rất kỹ. Ông Huân vẫn khuyến khích các em nên ưu tiên học tiếp vì chờ đợi lâu ngày sẽ dẫn tới thui chột khả năng, làm lùi “ý chí” của người học.

Nhiều lựa chọn nếu không thể du học

Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, học sinh cần tìm hiểu và nắm bắt kịp thời các thông tin về tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới, kế hoạch mở cửa của các sân bay để lập kế hoạch cho riêng mình. Trong trường hợp xấu nhất là các sân bay vẫn tiếp tục “ngủ đông”, học sinh có các lựa chọn như: học ngoại ngữ, học các chương trình du học bán phần, du học chuyển tiếp linh hoạt,… để không bị gián đoạn việc học.

Đối với các trường linh hoạt tổ chức đào tạo trực tuyến trong thời gian ảnh hưởng dịch thì học sinh nên quan tâm, chấp nhận và theo sát chương trình.

Hoặc một lựa chọn khác, là các em có thể lựa chọn các chương trình học liên kết giữa một đại học ở Việt Nam và một trường ở nước ngoài theo hình thức du học bán phần (du học chuyển tiếp) để không phải chờ đợi quá lâu. Đây có thể là giải pháp có nhiều ưu điểm nhất trong thời điểm này.

"Trường hợp bản thân muốn dời lại việc du học thì thời gian một năm “gap year” nếu biết sử dụng hợp lý sẽ không hề vô nghĩa. Bằng cách phụ giúp gia đình, tham gia công tác xã hội, thiện nguyện, làm một công việc thời vụ yêu thích, tham gia các khoá học ngắn hạn, trực tuyến, các em sẽ có khoảng thời gian thực sự đáng nhớ của tuổi trẻ.

Những việc này rèn luyện thêm nhiều kỹ năng cho bản thân, có thể làm đẹp hơn hồ sơ cá nhân và bắt đầu một cơ hội học tập mới khi tình hình dịch bệnh được đẩy lùi” – ông Minh Huân định hướng.

Nguồn: Lao Động
laodong.vn
Phiên bản di động