Nữ sinh Việt “ẵm” học bổng tiến sĩ toàn phần tại Mỹ
Chưa từng nghĩ đến việc du học
Nhận email từ Đại học North Carolina State, Thu Thảo vẫn nhớ cảm xúc lẫn lộn khi thấy dòng chữ “Congratulations!” (Chúc mừng).
Thảo nhớ lại quá trình ứng tuyển với bảng điểm đại học không quá xuất sắc. Vì vậy, kết quả này với Thảo “giống như một giấc mơ” và cũng là lời giải đáp cho cựu nữ sinh Trường Đại học Khoa học Tự nhiên về quyết định “gap year” của mình.
Chia sẻ với phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Thảo thổ lộ, thật ra, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên không phải lựa chọn đầu tiên của em. Cô nàng từng đăng ký nguyện vọng thi vào ngôi Trường Đại học Dược Hà Nội và Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, tuy nhiên, may mắn chưa ỉm cười nên nữ sinh đều thi trượt cả hai.
Ở nguyện vọng tiếp theo, Thảo đỗ vào lớp Chất lượng cao Hóa Dược của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và lựa chọn theo học chuyên ngành này tại trường.
Bạn Lưu Thu Thảo - cựu sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội |
Từ đây, hành trình mới bắt đầu, ngày tốt nghiệp, Thu Thảo tự ti vì kết quả học tập chưa phải xuất sắc, GPA của cô nàng đạt 3.3/4.0, tốt nghiệp Giỏi chuyên ngành Hoá Dược, có hai bài báo khoa học được đăng trên tạp chí của Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, Thảo đăng ký học tiếp lên Thạc sĩ ngay tại trường, đồng thời tìm hiểu các doanh nghiệp, xác định rõ nhiệm vụ “ngày đi làm, tối đi học Thạc sĩ”.
Tuy nhiên, “đời không như là mơ”, Thảo bộc bạch. Ra trường đi làm, Thảo không tìm được công việc ưng ý. Nữ sinh cũng suy nghĩ về việc nếu vừa đi học, vừa đi làm, cô sẽ khó đảm bảo làm tốt cả hai nhiệm vụ.
Giữa lúc hoang mang, Thảo nhận được lời khuyên từ bạn bè và giảng viên hướng dẫn, trong đó, có gợi ý về việc đi du học. “Mình chưa bao giờ nghĩ đến việc du học, đừng nói là du học tiến sĩ tại Mỹ”, Thảo nói.
Sau thời gian cân nhắc và nhìn nhận, Thảo thấy rằng, nếu giành được học bổng đi du học, nữ sinh sẽ vừa được học tập, vừa có thu nhập sinh hoạt phí từ tiền học bổng. Không chỉ vậy, khi được bước ra thế giới, cánh cửa hy vọng sẽ rộng mở, Thảo sẽ được tiếp cận tri thức ở nơi có nền giáo dục bậc nhất thế giới và được nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm hiện đại hàng đầu…
Lúc này, nữ sinh bắt đầu nhen nhóm ý định đi du học. Tháng 9/2023, Thảo quyết định dừng lại, “gap year” một năm để dồn sức làm hồ sơ. Tới cuối tháng, Thảo đăng ký thi IELTS và đạt 5.5.
"Mỗi chúng ta mới là người quyết định cuộc đời mình. Hãy tin vào bản thân và không ngừng nỗ lực. Thực tế đã chứng minh quyết định gap year của mình là đúng đắn", Thảo chia sẻ.
Chủ động tìm kiếm cơ hội theo nhiều cách khác nhau
Tự ti với điểm số còn quá thấp, Thu Thảo chủ động gửi email tới Giáo sư Reza Ghiladi - Khoa Hóa học, Giám đốc tuyển sinh của Đại học North Carolina State để nhờ thầy góp ý cải thiện, bổ sung hồ sơ.
May mắn, sang đầu tháng 10, Giáo sư Reza Ghiladi có chuyến công tác ít ngày tại Việt Nam và có buổi hẹn gặp mặt trực tiếp với Thảo.
“Lúc đó, tôi mừng ít mà lo thì nhiều bởi đây không đơn giản là buổi gặp gỡ bình thường mà chính là buổi phỏng vấn trực tiếp. Thông thường phỏng vấn qua online đã run rồi, trực tiếp còn khó nhằn hơn rất nhiều", nữ sinh nói.
Buổi gặp mặt kéo dài 1,5 giờ, nữ sinh chia sẻ thẳng thắn về nỗi lo hồ sơ không mạnh. Nhưng thầy đã khuyên rằng: “Cuộc đời mỗi người là cuộc chạy đua marathon, mỗi chúng ta sẽ có một con đường riêng để chạy. Nếu chỉ chăm chăm nhìn người khác sẽ rất dễ bị chạy chệch hướng, do đó nên kiên trì, bền bỉ vào mục tiêu chính của mình”. Câu nói ấy là động lực thôi thúc Thảo quyết tâm thi lại IELTS và đạt 6.5, vừa đủ yêu cầu của trường.
Song, để xin được học bổng du học Mỹ thì thi chứng chỉ SAT (Scholastic Assessment Test - bài thi kiểm tra khả năng học thuật) là rất quan trọng, đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng lực của thí sinh trong việc đăng ký du học tại Mỹ.
Về cách đạt điểm số SAT của mình, Thảo tiết lộ, phương pháp duy nhất là cày đề để quen với cách ra đề và học nhiều từ vựng. Thảo ôn Toán nhẹ nhàng, nhưng cố gắng học thêm các từ tiếng Anh chuyên sâu ở ngành học của mình. Ngoài ra, vì bài thi SAT đổi format mới nên thảo chủ động tìm thêm đề trên mạng để làm.
Theo Thu Thảo, điểm số cao sẽ là một lợi thế lớn, nhưng nếu không quá cao, mình cần tìm kiếm thêm cơ hội theo các cách khác nhau |
"Tất nhiên ai cũng mong muốn mình đạt điểm số cao, đây sẽ là một lợi thế lớn, nhưng nếu không quá cao, mình cần tìm kiếm cơ hội theo cách khác", Thảo cho hay.
Thảo cũng thẳng thắn nêu quan điểm, điểm số chỉ nằm trên giấy tờ, sách vở, điều quan trọng nhất là năng lực của ứng viên ra sao và sẽ dùng nó như thế nào.
"Tôi đã đọc một số chia sẻ của các Giáo sư hay những người trong hội đồng tuyển sinh quốc tế và thấy một điểm chung trong quan điểm chọn lọc hồ sơ giữa họ, đó là: Một ứng viên tiềm năng là một người mà họ tin là sẽ thành công trong tương lai chứ không phải một người chỉ biết làm một thứ mà họ thích. Thậm chí GPA 3.9-4.0 chỉ thể hiện bạn có khả năng học tập và thi cử như một cái máy, hội đồng không thể chắc chắn bạn có thể thành công với những mục tiêu khác được đặt ra hay không.
Nếu bạn có thành tích đó trong hồ sơ, nó thậm chí là một tín hiệu nguy hiểm với hội đồng rằng có điều gì đó đặc biệt ở đây: Một là chất lượng trường hời hợt; hai là bạn gian lận; ba là bạn thực sự là một thiên tài...”, Thảo nói.
Vì vậy, khi nữ sinh thi đạt 6.5 IELTS, nhận được câu hỏi có tiếp tục thi thêm nữa hay không, Thảo nghĩ rằng mức điểm này là đủ. Cô nàng sẽ tiếp tục trau dồi tiếng Anh theo nhiều cách khác nhau như đọc sách báo nhiều hơn, đọc các công trình nghiên cứu, từ đó làm dày vốn từ vựng trong chuyên ngành của mình.
Cuối tháng 7, Thảo sẽ tới Mỹ du học tại Đại học North Carolina State. Hiện tại, nữ sinh đang tìm hiểu thông tin hồ sơ của các giáo sư trên website của trường, cũng như tìm hiểu dần về mảnh đất nơi cô nàng chuẩn bị đặt chân tới. Bật mí thêm, Thảo cho biết, chuyên ngành mình theo học trong thời gian tới sẽ liên quan đến Hóa hữu cơ ứng dụng trong Sinh học.
Nữ sinh cũng dự định học xong sẽ làm ở Mỹ một thời gian, sau đó về nước lập nghiệp.