Bộ GDĐT công nhận xếp loại học sinh trực tuyến mùa Covid-19
Công văn đặt mục tiêu cụ thể của việc dạy học qua Internet, truyền hình là giúp học sinh được học theo chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian nghỉ học ở trường để phòng, chống Covid-19; phát triển năng lực tự học của học sinh và nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình của giáo viên. Việc dạy học này cũng nhằm tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc tổ chức và hỗ trợ học sinh trong học tập; nhằm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đối với hình thức dạy học qua Internet, giáo viên sử dụng các ứng dụng hoặc dịch vụ của Internet để tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, bao gồm: Dạy học thông qua hệ thống quản lý học tập (LMS – Learning Management System); dạy học thông qua hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS - Learning Content Management System); dạy học thông qua các hệ thống dạy học trực tuyến.
Bộ GDĐT ban hành công văn hướng dẫn dạy học qua Internet, truyền hình. (Ảnh minh họa).
Với từng hệ thống, Bộ GDĐT đặt ra các yêu cầu khác nhau về cơ sở, hạ tầng kỹ thuật, học liệu và tổ chức hoạt động dạy học.
Hệ thống quản lý học tập phải cho phép cơ sở giáo dục tổ chức, quản lý và triển khai các hoạt động dạy học qua Internet; theo dõi và quản lý quá trình học tập của học sinh; tổ chức các bài kiểm tra trực tuyến để quản lý tiến trình và kết quả học tập của học sinh; duyệt các bài giảng và theo dõi được các hoạt động của giáo viên trên môi trường mạng.
Cho phép giáo viên khởi tạo kho học liệu, theo dõi, kiểm tra đánh giá học sinh, quản lý hoạt động dạy và học trực tuyến; học sinh hoàn thành các nhiệm vụ học tập, biết được tiến trình, kết quả học tập của bản thân; học sinh, giáo viên và gia đình học sinh có thể tương tác được với nhau. Tùy vào điều kiện thực tiễn, cơ sở giáo dục có thể tích hợp hệ thống dạy học trực tuyến với hệ thống quản lý học tập.
Hệ thống quản lý nội dung học tập phải tích hợp công cụ biên soạn bài giảng dành cho giáo viên, cho phép tổ chức lưu trữ và chuyển tải nội dung học tập tới học sinh qua Internet; cho phép cơ sở giáo dục có thể tích hợp hệ thống quản lý nội dung dạy học với hệ thống quản lý học tập.
Học liệu phải được xây dựng theo chương trình giáo dục phổ thông theo các quy định, hướng dẫn của Bộ GDĐT, bao gồm sách giáo khoa, bài giảng, tài liệu, học liệu, câu hỏi, bài tập để tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.
Giáo viên phải có kỹ năng xây dựng và lựa chọn học liệu, biết cách sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin để tổ chức lớp học qua Internet... Học sinh phải được hướng dẫn về kỹ năng sử dụng ứng dụng hoặc dịch vụ công nghệ thông tin trên Internet học tập trước khi tham gia bài học. Bên cạnh đó, gia đình có trách nhiệm giám sát, hỗ trợ quá tình học tập của học sinh.
Dạy học trên truyền hình sẽ do các thầy cô dạy giỏi, có nhiều kinh nghiệm tại địa phương đảm nhiệm.
Đối với việc học tập qua truyền hình, bài học phải do giáo viên có kinh nghiệm dạy học, ghi hình để tổ chức dạy học trên truyền hình theo chương trình giáo dục phổ thông và các quy định, hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông và các quy định, hướng dẫn của Bộ GDĐT; chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể của từng lớp học, môn học, theo lịch phát sóng các bài học; phân công, giao nhiệm vụ cho giáo viên phụ trách môn học theo lớp học xây dựng kế hoạch bài học để tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo các bài học được phát trên truyền hình. Ngoài ra, cơ sở giáo dục phải quản lý, giám sát, đánh giá, công nhận kết quả học tập của học sinh trong việc tổ chức dạy học trên truyền hình.
Việc đánh giá kết quả học tập được Bộ GDĐT yêu cầu kiểm tra thường xuyên trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến, qua truyền hình. Giáo viên trực tiếp phụ trách môn học sẽ kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của học sinh qua các bài kiểm tra trên hệ thống.
Kết quả này sẽ được công nhận sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ GDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Khi học sinh đi học trở lại, cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho học sinh ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã học qua Internet, trên truyền hình; thực hiện việc kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ theo quy định của Bộ GDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Nhà trường cũng cần đối sánh kết quả kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ và kiểm tra thường xuyên để có giải pháp phù hợp giúp học sinh củng cố, bổ sung kiến thức.