Bộ Công thương yêu cầu quản chặt nguyên liệu đầu vào hàng xuất khẩu

Nhằm ngăn chặn gian lận xuất xứ, Bộ Công thương vừa đề nghị các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường quản lý nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam Bộ Công thương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về xuất khẩu gạo

Trong văn bản gửi các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, Bộ Công thương nêu rõ, hiện nay tình hình thương mại quốc tế diễn biến nhanh và khó lường trong bối cảnh Mỹ áp dụng chính sách thuế quan đối với nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.

Để chủ động thích ứng với tình hình mới, vì lợi ích hài hoà của Việt Nam với các đối tác mà không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công thương đề nghị các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước kịp thời thông tin về cơ chế chính sách, động thái thị trường thương mại quốc tế nhằm khuyến cáo, hướng dẫn các doanh nghiệp hội viên chủ động phương án trong sản xuất và xuất khẩu.

Bộ Công thương yêu cầu quản chặt nguyên liệu đầu vào hàng xuất khẩu
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, hiệp hội là đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp hội viên mở rộng, đa dạng hoá nguồn cung nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, hạn chế phụ thuộc vào một thị trường nguyên liệu nhập khẩu.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, cần chủ động xây dựng kế hoạch thích ứng với tình hình thương mại quốc tế mới thông qua tìm kiếm khách hàng, đối tác từ các thị trường nhập khẩu còn nhiều dư địa, tiềm năng để khai thác và phát triển.

Bộ Công thương lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu cân nhắc nguồn cung nguyên liệu để sản xuất hàng hoá xuất khẩu, bảo đảm yêu cầu của nhà nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xuất xứ hàng hoá xuất khẩu.

Cách đây ít ngày, Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Lê Thanh Hải cũng đã ký văn bản gửi các thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Trưởng Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố về việc tăng cường chống gian lận thương mại liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vận chuyển hàng hóa giải mạo xuất xứ Việt Nam qua biên giới, qua các cửa khẩu đường bộ, cảng biển, cảng hàng không quốc tế.

Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam đối với các loại hàng hóa xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu, vật tư có nguồn gốc nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục rà soát các quy định còn sơ hở, bất cập trong việc xác định xuất xứ hàng hóa để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo quy định của pháp luật.

Hậu Lộc
Phiên bản di động