Bộ Công thương thúc khẩn trương thống nhất giá điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp

Bộ Công thương vừa chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện...
Khung giá điện mới gây hụt hẫng cho nhà đầu tư năng lượng tái tạo Khẩn trương thống nhất giá phát điện nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp

Bộ Công thương vừa có công văn khẩn gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc thoả thuận giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Trước đó, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Theo đó, giá trần (giá cao nhất) của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh, điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh.

Căn cứ khung giá phát điện này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp sẽ thoả thuận giá phát điện theo quy định.

Căn cứ quy định tại Nghị định 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Bộ Công thương đưa ra một số về phương pháp xác định giá phát điện đối với các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Bộ Công thương thúc khẩn trương thống nhất giá điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp
Ảnh minh họa

Thứ nhất, về nguyên tắc xác định giá phát điện, theo Bộ Công thương, tại khoản 1, Điều 29 Luật Điện lực về chính sách giá điện quy định: “Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý” và Khoản 4 Điều 29 Luật Điện lực (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 13 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực) quy định: “Bảo đảm quyền tự quyết định giá mua, bán điện trong khung giá, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định của các đối tượng mua bán điện trên thị trường điện lực”.

Khoản 3 Điều 31 Luật Điện lực (được sửa đổi, bồ sung bởi Khoản 15 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực) quy định: “Giá phát điện theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn, giá bán buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận, nhưng không được vượt quá khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện đã được phê duyệt”.

Thứ hai, hợp đồng mua, bán điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp được chủ đầu tư và EVN đàm phán, sửa đổi trên cơ sở hợp đồng mua bán điện đã ký, cũng như các nội dung quy định tại Thông tư số 01/2023/TT-BCT ngày 19/1/2023 về bãi bỏ một số quy định tại Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/1/2019 quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua, bán điện mẫu cho các dự án điện gió; Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua, bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.

Căn cứ quy định tại Luật Điện lực, các hướng dẫn nêu trên và các nội dung phù hợp thực tế của nhà máy điện, Bộ Công Thương đề nghị EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện theo chỉ đạo của cơ quan này tại Văn bản số 107/BCT-ĐTĐL.

Đây là lần thứ 2 Bộ Công thương có văn bản đề nghị EVN và chủ đầu tư khẩn trương phối hợp thỏa thuận, thống nhất giá phát điện để sớm đưa các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Được biết, hiện vẫn còn nhiều dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời đã triển khai trên thực tế nhưng không vào kịp thời hạn được hưởng biểu giá hỗ trợ (giá FIT).

Trong đó, có 62 dự án điện gió, tổng công suất 3.479 MW (trong tống số gần 150 dự án với tổng công suất trên 8.100MW), đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng do giá FIT hết hạn vào 1/11/2021 nên chưa có giá bán điện. Ngoài ra, có 452MW đã xây lắp xong nhưng chưa xác định giá bán điện.

Hậu Lộc
Phiên bản di động