Bộ Công an tham gia xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng
Ngân hàng VPBank chi hơn 7.900 tỷ đồng chia cổ tức cho cổ đông Nghiêm cấm ngân hàng đánh tráo khái niệm trái phiếu như tiền tiết kiệm |
Nội dung trên nêu tại Chỉ thị số 14/CT-TTg, được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 2/5/2024.
Theo đó, để đạt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025, một trong những nhiệm vụ được người đứng đầu Chính phủ đưa ra là phải giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, sân sau.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ.
Theo tìm hiểu, sở hữu chéo là hiện tượng một ngân hàng này nắm giữ cổ phần tại nhà băng khác. Nhiều trường hợp một nhóm cổ đông liên kết với nhau để nắm trên 51% cổ phần, từ đó thao túng hoạt động ngân hàng, cao hơn nhiều so với quy định, câu chuyện từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) là một ví dụ điển hình về thao túng ngân hàng.
Ảnh minh họa. |
Hồi đầu tháng 1 năm nay, việc Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ góp phần bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, minh bạch, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, phát triển theo đúng nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ, chuẩn mực quốc tế phổ biến, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã bổ sung các giải pháp, “van khóa” để đảm bảo khắc phục những tồn tại, hạn chế của hệ thống tín dụng trong thời gian qua.
Cụ thể như các quy định cụ thể liên quan đến tổ chức, điều hành và quản lý rủi ro trong ngân hàng, các tổ chức tín dụng, tiệm cận tốt với thông lệ về quản trị công ty.
Trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng có các quy định cụ thể hơn về tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các tổ chức tín dụng, trong đó trong tâm là các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của người quản lý, người điều hành của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc.
Luật cũng yêu cầu tăng số lượng thành viên của Ban kiểm soát ngân hàng thương mại, đã hoàn thiện các quy định về việc không cùng đảm nhiệm chức vụ, cũng như xây dựng quy định nội bộ các ngân hàng đặc biệt là các hoạt động kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ. Đây chính là các giải pháp, quy định để tăng cường khả năng cạnh tranh, năng lực chống chịu của mỗi ngân hàng và tổ chức tín dụng trong nền kinh tế.
Ngoài ra, để đảm bảo kiểm soát và hạn chế tình trạng sở hữu chéo, việc thao túng và chi phối tổ chức tín dụng, các quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được chỉnh lý phù hợp, đảm bảo mở rộng quy định người có liên quan của tổ chức tín dụng (áp dụng cho các tổ chức tín dụng, trừ Quỹ tín dụng Nhân dân), giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức của tổ chức tín dụng, giảm giới hạn tiếp cận tín dụng và có lộ trình cụ thể để cho phép các tổ chức tín dụng có thể nâng cao năng lực.
Theo bà Phạm Thị Hồng Yến, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng đã bổ sung các quy định về việc phải công bố công khai thông tin của các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng, qua đó giúp tăng cường tối đa tính minh bạch của thông tin liên quan đến sở hữu của các tổ chức tín dụng trong nền kinh tế.