Bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất
Thách thức năm 2024 của Việt Nam là bất động sản, tài chính Chủ tịch Vạn Thịnh Phát rửa tiền vào bất động sản, chuyển ra nước ngoài |
Theo ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, chính sách đối với thị trường bất động sản để thị trường phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững.
Cùng với việc hoàn thiện thể chế, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã gấp rút rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Ảnh minh họa. |
Tổ công tác đã nhận được 138 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 191 dự án bất động sản.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã xem xét, phân loại và chuyển cơ quan và thẩm quyền xử lý.
Với sự tập trung vào cuộc của các cấp chính quyền, địa phương, đến nay trong giai đoạn 2021 - 2030, trên địa bàn cả nước đã có 470 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp được hoàn thành và đang triển khai.
Ông Hoàng Hải nhận định, thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, về tổng thể, thị trường bất động sản hiện nay vẫn còn rất khó khăn, nhưng mức độ khó khăn có xu thế giảm dần theo thời gian, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.
Theo ông Hải, để các chính sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng thu được hiệu quả như mong đợi cần có thời gian, sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, của các cấp, các ngành, sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
"Đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết", ông Hải khẳng định.