Báo động tỷ lệ người trẻ nhiễm HIV tại Việt Nam tăng nhanh

Tại Việt Nam, từ năm 2020 đến nay, dịch HIV đã có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở nhóm người trẻ. Đáng lưu ý, dịch HIV đang thay đổi từ hình thái lây nhiễm chủ yếu từ đường máu sang lây qua đường tình dục.
Nhiều thách thức trong bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS Nghệ An: Nhẫn tâm tiêm máu nhiễm HIV vào vợ cũ để trả thù Hà Nội phát hiện 106 trường hợp nhiễm HIV/AIDS trong 6 tháng đầu năm 2022

60% - 80% người nhiễm HIV thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới

Đó là thông tin được bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ tại mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2022 được tổ chức sáng 26/11 tại Bắc Ninh.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ năm 2020 đến nay, dịch HIV đã có xu hướng gia tăng. Nếu như giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2019 mỗi năm chúng ta phát hiện được khoảng 10.000 trường hợp nhiễm HIV thì 2 năm qua, mặc dù dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc xét nghiệm HIV nhưng mỗi năm Việt Nam có hơn 13.000 trường hợp nhiễm HIV được báo cáo.

Báo động tỷ lệ người trẻ nhiễm HIV tại Việt Nam tăng nhanh
Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu

Một vấn đề đáng lưu ý đó là xu hướng dịch HIV đang thay đổi từ hình thái lây nhiễm chủ yếu từ đường máu sang lây qua đường tình dục. Người được phát hiện nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ và nhiễm HIV trong nhóm tuổi trẻ tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2022, có tới 50% số ca nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm tuổi dưới 29 tuổi. Nam quan hệ tình dục đồng giới đang là nhóm đối tượng nhiễm HIV chủ yếu ở Việt Nam hiện nay, có địa phương báo cáo có 60% - 80% người nhiễm HIV được phát hiện trong năm qua là thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

Dịch HIV có thể bùng phát trở lại

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra ba mục tiêu 95-95-95 đó là: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Trong ba mục tiêu đó thì 2 mục tiêu đầu Việt Nam mới chỉ đạt 84% và 79% ở thời điểm cuối năm 2021.

“Chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm nhất là để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS” – Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Tại Việt Nam hiện nay, công tác xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 204 phòng xét nghiệm khẳng định. Xét nghiệm khẳng định HIV được mở rộng xuống tuyến huyện với 97 phòng xét nghiện khẳng định. Hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 28 tỉnh/thành phố trên cả nước

Ngoài ra, tính đến 30/9/2022, chương trình Methadone đã được triển khai tại hơn 600 cơ sở điều trị và cấp phát thuốc trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố với hơn 51.000 người bệnh tham gia điều trị trong đó gần 3.000 người được cấp thuốc mang về nhà. Điều trị Methadone đã góp phần khống chế được tình hình nhiễm HIV trong người tiêm chích ma túy.

Với những nỗ lực của Việt Nam, tính riêng giai đoạn từ 2001 đến nay việc triển khai các can thiệp phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam đã cứu được hơn 960 ngàn người không bị nhiễm HIV.

Báo động tỷ lệ người trẻ nhiễm HIV tại Việt Nam tăng nhanh
Ông Taoufik Bakkali, Quyền Giám đốc khu vực Văn phòng UNAIDS, Châu Á – Thái Bình Dương

Tuy vậy, theo đánh giá của ông Taoufik Bakkali, Quyền Giám đốc khu vực Văn phòng UNAIDS, Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam còn đố mặt với nhiều thách thức. Điển hình là, tỷ lệ thanh thiếu niên làm xét nghiệm HIV và biết kết quả còn thấp, thấp tương tự là tỷ lệ bao phủ điều trị trong nhóm thanh thiếu niên được chẩn đoán nhiễm HIV1. Chưa đến 50% thanh thiếu niên Việt Nam có hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV và có đến 40% thanh thiếu niên Việt Nam vẫn còn có thái độ phân biệt đối xử với HIV. Quá trinh chuyển đổi điều trị HIV sang nguồn bảo hiểm y tế vẫn còn một số phức tạp, đòi hỏi sự thích ứng và điều chỉnh của cả con người và hệ thống, để có thể thực hiện và duy trì bền vững được mục tiêu 95-95-95 trong xét nghiệm và điều trị HIV.

Thêm nữa, việc sử dụng các loại ma túy mới cũng tạo ra nguy cơ về lây nhiễm HIV và các vấn đề sức khỏe khác, cần đến sự phối hợp đa ngành và môi trường chính sách thuận lợi hơn nữa để có thể đáp ứng hiệu quả.

Báo động tỷ lệ người trẻ nhiễm HIV tại Việt Nam tăng nhanh
Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2022

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, năm 2022, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam là: “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”. Việc lựa chọn chủ đề này thích hợp với bối cảnh tình hình dịch HIV ở Việt Nam hiện nay. Đây cũng là đối tượng cần được quan tâm trong thời gian tới khi chúng ta muốn đạt mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc chấm dứt dịch AIDS chỉ có thể thành công nếu chúng ta huy động được thanh niên chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.

Bảo Phương
Phiên bản di động