Báo cáo Thủ tướng trong tháng 3 việc triển khai miễn học phí

Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu việc tổ chức triển khai kết luận của Bộ Chính trị về thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước từ đầu năm học mới 2025-2026.
Học sinh, phụ huynh sẽ tiết kiệm được bao nhiêu sau miễn giảm học phí? Miễn toàn bộ học phí cho học sinh công lập cả nước

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2025, Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của học tập suốt đời và đóng góp của học tập suốt đời đối với nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia.

Đồng thời tập trung hoàn thiện Chương trình triển khai thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Đặc biệt, Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu việc tổ chức triển khai kết luận của Bộ Chính trị về thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước từ đầu năm học mới 2025-2026, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2025; nghiên cứu xây dựng và thực hiện đề án xây dựng các trường nội trú cho học sinh phổ thông ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Báo cáo Thủ tướng trong tháng 3 việc triển khai miễn học phí
Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu việc tổ chức triển khai kết luận của Bộ Chính trị về thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước từ đầu năm học mới 2025-2026.

Trong phiên họp Bộ Chính trị ngày 28/2/2025 để kiểm điểm, đánh giá kết quả triển khai bước đầu việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Chính trị thống nhất cao chủ trương thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, nhanh chóng hơn nữa các nội dung của Nghị quyết 18-NQ/TW trong năm 2025.

Đáng chú ý, sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về khả năng cân đối tài chính trong và sau quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị quyết định thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước. Thời điểm thực hiện từ đầu năm học mới 2025-2026 (tháng 9/2025 trở đi).

Bộ Chính trị giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài Chính, một số bộ, ngành liên quan và các địa phương phối hợp cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc quyết định nêu trên.

Có thể thấy, Bộ Chính trị đã rất thận trọng nhưng cũng đầy tính quyết liệt sau khi thực hiện kiểm điểm, đánh giá kết quả triển khai bước đầu việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong đó đặc biệt là yếu tố về nguồn lực tài chính.

Việc xây dựng một Nhà nước tinh gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu năng và hiệu quả phải thể hiện được qua những quyết sách mang lại những gì có lợi nhất cho đời sống người dân, trong đó quyết định miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước là thành quả đầu tiên gặt hái được. Đây là một quyết định làm nức lòng người dân cả nước và đúng với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là luôn coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc.

Báo cáo Thủ tướng trong tháng 3 việc triển khai miễn học phí
TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, chính sách này không chỉ giúp giảm gánh nặng cho các gia đình, mà còn tạo cơ hội để mọi trẻ em có thể học tập và phát triển, từ đó đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Giáo dục chính là nền tảng, và không ai bị bỏ lại phía sau.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, chính sách miễn, giảm học phí là sự cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 42, Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII, nhấn mạnh việc bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng, trong đó có giáo dục.

"Đây không chỉ là một chính sách hỗ trợ, mà còn thể hiện trách nhiệm và cam kết mạnh mẽ của Nhà nước đối với công bằng xã hội. Đặc biệt, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những nơi vốn còn nhiều khó khăn sẽ có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục tốt hơn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực", ông Lợi nói.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng cho rằng: "Không thể để bất kỳ đứa trẻ nào bị bỏ lại phía sau chỉ vì hoàn cảnh. Giáo dục là quyền lợi của tất cả, không phải là đặc quyền của một số ít. Miễn học phí là bước đi cần thiết để tạo cơ hội công bằng cho mọi học sinh, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược".

Bên cạnh nhiều lợi ích, theo ông Bùi Sỹ Lợi, chính sách miễn học phí cũng sẽ kéo theo những áp lực không nhỏ. Một trong số đó là khả năng các trường công lập sẽ phải đón nhận lượng học sinh tăng đột biến khi nhiều em từ trường tư chuyển sang. Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và phương thức tổ chức giảng dạy để hệ thống giáo dục công không rơi vào tình trạng quá tải.

Do đó, thực hiện chính sách này còn cần những giải pháp đồng bộ để đảm bảo chất lượng giáo dục không bị chênh lệch giữa các vùng miền. "Điều quan trọng nhất là phải bảo đảm điều kiện học tập tốt cho tất cả học sinh, từ cơ sở hạ tầng, chất lượng giáo viên đến các chính sách hỗ trợ phù hợp. Nếu chỉ miễn học phí mà không đầu tư toàn diện thì vẫn chưa thể mang lại sự công bằng thực sự trong giáo dục", ông Lợi nhận định.

Ông Bùi Sỹ Lợi phân tích cụ thể 3 yếu tố để đạt được mục tiêu này. Thứ nhất, cơ sở hạ tầng giáo dục, việc xây dựng trường lớp khang trang, trang bị đầy đủ thiết bị học tập là yêu cầu cấp bách, đặc biệt tại các địa phương còn nhiều khó khăn.

Thứ hai, chất lượng đội ngũ giáo viên, chúng ta cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và điều động giáo viên đến những vùng khó khăn để nâng cao chất lượng giảng dạy. Người thầy chính là nhân tố quyết định sự thành công của giáo dục.

Thứ ba, hỗ trợ tài chính và chính sách vùng khó khăn, chúng ta cần tạo điều kiện để các địa phương nghèo có nguồn lực phát triển giáo dục bền vững, không để bất kỳ đứa trẻ nào phải bỏ học vì hoàn cảnh.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, giáo dục chính là đầu tư cho tương lai. Miễn học phí không phải là đích đến, mà là khởi đầu cho một cuộc cải cách mạnh mẽ, hướng tới một nền giáo dục hiện đại, bình đẳng và chất lượng.

"Đây là dấu mốc quan trọng, giúp Việt Nam tiến xa hơn trên con đường phát triển, hội nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở ra một tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ", ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định và bày tỏ mong muốn Nhà nước sẽ tiếp tục có những biện pháp cụ thể, quyết liệt hơn để bảo đảm giáo dục phát triển bền vững, công bằng và thực sự trở thành nền tảng cho sự vươn lên của đất nước.

Hậu Lộc
Phiên bản di động