Bận học vẫn kiếm chục triệu đồng mỗi tháng
Vĩnh Phúc: Trường Tiểu học Trung Kiên “Kỷ cương nghiêm, chất lượng thực, hiệu quả cao” |
“Ông chủ” Hoa sen đá Hà Nội
Tình yêu cây trồng đến với Vũ Thành Đô (sinh năm 2000) từ khi còn bé. Vậy nên, sau khi học xong THPT, chàng trai trẻ đã quyết định theo đuổi niềm đam mê này và đăng ký nguyện vọng học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Qua những năm tháng được tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm trên giảng đường, cũng như ngoài thực tế, ngay khi còn học đại học, cậu đã tìm hướng khởi nghiệp. Đô là người sáng lập thương hiệu Hoa sen đá Hà Nội dành riêng cho mình để start-up.
Đặt ra mục tiêu và từng bước chinh phục nó cũng chính là thực hiện ước muốn có thể đồng hành cùng người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời thỏa mãn đam mê hoa, cây cảnh của chàng trai “2k”.
Vũ Thành Đô chia sẻ: “Hiện tại, mình khởi nghiệp ở hai mảng chính là sản phẩm sáng tạo từ hoa sen đá và cung cấp cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đồng hành cùng người nông dân”.
Bạn trẻ Vũ Thành Đô tại vườn sen đá |
Chàng trai kể, một lần cậu đi chùa Tây Thiên (ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc), đã tình cờ gặp cây hoa sen đá và thấy rất thích nó. Vậy nên, Đô mua về trồng ở nhà. Trồng, chăm sóc cây, cậu tìm hiểu nhiều hơn về loại cây cảnh nên càng yêu sen đá hơn. Cậu cũng muốn biến loại hoa cảnh này thành sản phẩm để kinh doanh. Thế rồi, Đô đã tập kinh doanh hoa sen đá ngay từ khi cậu là học sinh cấp 3. Cho đến lúc lên đại học, Vũ Thành Đô tiếp tục thỏa mãn đam mê và có một vườn hoa sen đá với thương hiệu Hoa sen đá Hà Nội.
Với đam mê mãnh liệt với cây sen đá, Đô và nhóm của cậu luôn sáng tạo và thực hiện nhiều tác phẩm quà tặng. Bên cạnh việc kinh doanh, chàng trai trẻ còn tích cực hoạt động xã hội, từ thiện. Đặc biệt, Đô thường tham gia chương trình “Đổi giấy lấy cây - Lan tỏa sức xanh”, mang sản phẩm sen đá đến đổi với mọi người lấy đồ tái chế như giấy vụn, chai nhựa, sắt vụn... Chương trình này đã và đang trở thành một phong trào mạnh mẽ tại các trường đại học, tổ chức Đoàn Thanh niên tại các khu đô thị ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác.
Kiếm tiền từ năm 3
20 tân cử nhân tiêu biểu của trường Đại học Ngoại thương đã được vinh danh tại lễ trao bằng tốt nghiệp diễn ra ngày 10/9 vừa qua. Trong đó, nổi bật nhất là Lê Nhật Hoàng (sinh năm 2001) - thủ khoa tốt nghiệp. Ngay từ khi còn là sinh viên, Hoàng đã vừa học vừa làm thêm. Cậu làm marketing cho một công ty game của Australia với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Dù bận rộn với công việc, học tập nhưng Hoàng vẫn tham gia các câu lạc bộ của trường.
Bạn trẻ Lê Nhật Hoàng |
Bắt đầu làm việc kiếm được tiền từ năm thứ 3 đại học, đồng thời sau vài học kỳ giành được học bổng, cộng với lương làm thêm, Hoàng có thể tiết kiệm được cả trăm triệu đồng- mức thu nhập lý tưởng của một sinh viên trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, khi hỏi điều tiếc nuối nhất trong thời sinh viên là gì, Hoàng chia sẻ rằng "đi làm muộn vẫn là điều mình tiếc nuối nhất".
Cũng như Hoàng, đi làm ngay từ khi còn bận học tập, bạn Nguyễn Bảo Hưng (22 tuổi) ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiếm được hơn chục triệu đồng/tháng. Chàng trai trẻ từng phải hoãn một năm học vì gia cảnh khó khăn. Hưng đi làm nhân viên kho tại công ty cung cấp dịch vụ nấu ăn cho các bệnh viện. Sau đó, cậu trở lại trường để tiếp tục theo đuổi con đường học vấn.
Cuối năm 2021, cậu nghỉ việc hẳn để tập trung hoàn toàn cho học tập chuyên ngành logistics. Suốt thời gian ở trường, Hưng luôn nhận được học bổng với điểm số loại giỏi. Cậu ghi danh vào nhiều cuộc thi học thuật, tài năng ở trường và trở thành thủ khoa tốt nghiệp.
Bạn trẻ Nguyễn Bảo Hưng có thế mạnh làm người mẫu |
Nói về bí quyết học tập đáng ngưỡng mộ của mình, chàng trai cho biết, trước đây cậu học kém nhưng sau khi đi làm và nhận ra việc được học là hạnh phúc nên đã tự đặt ra các quy tắc cho bản thân.
Với lợi thế về chiều cao, ngoại hình, chàng trai trẻ nhận được rất nhiều cơ hội công việc về người mẫu và chạy dự án cho các tổ chức, doanh nghiệp lớn. Trung bình mỗi tháng Hưng tham gia sự kiện từ 5 - 20 ngày, với mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng dù chưa ra trường.
Nguyễn Bảo Hưng chia sẻ: "Sau khi tốt nghiệp, mình sẽ tìm công việc đúng với chuyên ngành về xuất nhập khẩu để bồi đắp thêm kiến thức và tiếp tục giấc mơ đại học. Khi đã có kinh nghiệm làm việc, lúc liên thông đại học mình sẽ tìm ra cơ hội thăng tiến nhiều hơn nữa”.