Bài học đau xót từ sự việc trẻ 17 tháng tuổi tử vong sau khi đi học ở nhóm trẻ “chui”

Nhiều vụ bạo hành trẻ từ những cơ sở mầm non chưa được cấp phép, nhóm trẻ tự phát gây nên sự bức xúc trong dư luận xã hội.
Phòng chống thương tích cho trẻ em: Bài học từ những tai nạn đau lòng

Những sự việc đau xót này là bài học cho không chỉ phụ huynh mà còn với cả các đơn vị quản lý về việc tăng cường, kiểm tra giám sát việc thành lập, hoạt động của cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ tự phát.

Bảo mẫu khai nhận hành vi đánh đập trẻ

Liên quan vụ việc bé trai P.T.Đ (17 tháng tuổi, ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội) tử vong khi được gửi đến lớp trông giữ trẻ gia đình chưa được cấp phép. Ngày 3/3, Công an huyện Thường Tín đã xác định nguyên nhân ban đầu dẫn đến cái chết của cháu P.T.Đ. Đồng thời, qua đấu tranh, 2 bảo mẫu trông cháu là Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành đã khai nhận hành vi đánh đập, bạo hành bé P.T.Đ khiến nạn nhân bị chấn thương sọ não, dẫn tới tử vong.

Bài học đau xót từ sự việc trẻ 17 tháng tuổi tử vong sau khi đi học ở nhóm trẻ “chui”
Nhiều vụ bạo hành trẻ đã xảy ra ở cơ sở mầm non hoạt động "chui" (Ảnh minh họa)

Theo đó, sáng 23/2, bé trai 17 tháng tuổi được mẹ đưa đến lớp. Khoảng 9 giờ cùng ngày, hai bảo mẫu An và Lành đưa các cháu vào buồng ngủ thì Đ khóc, chạy ra ngoài cửa. Bảo mẫu Lành bực tức, dùng 2 tay bế bé Đ lên rồi ném xuống làm đầu bé trai đập xuống nền nhà. Sau đó, nghi phạm tát nạn nhân. Cùng lúc này, An đạp vào bụng, ngực rồi đá và dẫm vào đầu cháu bé. Đến khoảng 16h30 cùng ngày, bố mẹ bé trai đến đón con thì 2 người này nói cháu bé bị ngã.

Từ ngày 24 - 26/2, bé trai tiếp tục được đưa đến lớp. Sáng 26/2, khi thấy bé trai khóc, bảo mẫu An dùng chân đạp vào bụng cháu Đ khiến nạn nhân bất tỉnh. Sau đó, hai bảo mẫu An và Lành gọi gia đình cháu bé và cùng đưa nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Nông nghiệp.

Đến đây, tình trạng sức khỏe của cháu bé nặng thêm, vì vậy Bệnh viện Nông Nghiệp đã chuyển cháu bé lên Bệnh viện Nhi Trung ương để chữa trị. Sau gần 3 ngày điều trị, chiều 1/3, các y, bác sỹ bệnh viện tiên lượng cháu không qua khỏi, gia đình đã xin đưa bé trai về nhà để lo hậu sự. Đến 16h10 cùng ngày, cháu mất.

Theo ghi nhận của PV, nơi cháu bé 17 tháng tuổi được nhận trông giữ ở thôn Vạn Điểm, xã Vạn Điểm đã đóng kín cửa. Cơ sở này không khác gì một ngôi nhà dân bình thường, không biển hiệu trường lớp cũng như không có dấu hiệu nào cho thấy nơi này là một lớp mầm non.

Theo những người dân ở gần lớp trẻ, cửa cứ đóng suốt, khi nào có bố mẹ đưa các cháu tới thì cô giáo mở cửa đón, xong lại khóa. Nhóm lớp này đã hoạt động được khoảng 4 năm nay, do một cô giáo có kinh nghiệm mở. Khoảng vài tuần trở lại đây, cô giáo mở lớp ban đầu đã nghỉ và bàn giao lại lớp cho 2 cô giáo còn lại tự quản lý.

Cơ sở chưa đủ điều kiện vẫn tự ý đón trẻ

Liên quan đến sự việc, ngày 3/3, Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín đã có báo cáo gửi Sở GD&ĐT Hà Nội.

Theo báo cáo, tháng 11/2022, UBND xã Vạn Điểm đã có văn bản yêu cầu nhóm trẻ này tháo dỡ biển và dừng hoạt động do chưa đủ điều kiện, tuy nhiên, cơ sở này vẫn tự ý đón trẻ.

Theo báo cáo, sáng 2/3, Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín tiếp nhận thông tin phản ánh có một bé trai 17 tháng tuổi bị tử vong học tại nhóm trẻ gia đình phát sinh chưa được cấp phép tại xã Vạn Điểm. Cháu bé tên là P.T.Đ (sinh năm 2021), được gia đình cho học tại nhóm trẻ này hơn một tuần.

Cơ sở do 2 người có trình độ chuyên môn là trung cấp mầm non phụ trách. Cơ sở được thuê tại một gia đình ở thôn Vạn Điểm, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín để làm địa điểm trông giữ trẻ. Tổng số trẻ học tại nhóm là 6 cháu.

Báo cáo cũng khẳng định, từ đầu năm học đến nay, trong các hội nghị giao ban với hiệu trưởng, Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín đã chỉ đạo các trường mầm non công lập thường xuyên nắm bắt thông tin các nhóm lớp được cấp phép và nhóm trẻ tự phát trên địa bàn để kịp thời báo cáo, tham mưu UBND xã tiến hành rà soát, kiểm tra các điều kiện hoạt động.

Khi phát hiện ra nhóm trẻ tự phát ở xã Vạn Điểm, Hiệu trưởng trường Mầm non Vạn Điểm đã báo cáo lãnh đạo xã Vạn Điểm. Tháng 11/2022, UBND xã đã tiến hành kiểm tra nhóm trẻ gia đình này. Do không đủ điều kiện hoạt động theo quy định, UBND xã Vạn Điểm đã có văn bản yêu cầu nhóm trẻ này tháo dỡ biển và dừng hoạt động, tuy nhiên, cơ sở này hằng ngày đóng cửa nhưng vẫn tự ý đón trẻ.

Bài học đau xót...

Sự việc không chỉ là nỗi xót xa của gia đình cháu bé xấu số mà còn là nỗi bàng hoàng của nhiều gia đình trẻ có con đang độ tuổi mầm non. Chị Hoàng Thị Thanh Dung (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Thật sự quá đau xót. Từ sự việc này, tôi mong các bậc phụ huynh thật cẩn trọng khi đưa ra lựa chọn gửi con ở những cơ sở mầm non tư thục.

Với quan điểm của tôi, nếu gửi con ở cơ sở ngoài công lập, nhất định lớp học phải có camera. Cơ sở phải có biển hiệu, có giấy phép đàng hoàng. Đặc biệt, bố mẹ phải sát sao theo dõi từng biểu hiện của con khi đi học về, khi đến lớp gặp cô”.

Hơn ai hết, bố mẹ phải là những người đầu tiên bảo vệ con mình, không phó thác cho người trông nom hay bất cứ ai khác là quan điểm của chị Nguyễn Thanh Hương (Hà Đông, Hà Nội). “Đã quá nhiều những vụ bạo hành trẻ xảy ra ở các cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Đã cấp phép cũng có mà chưa cấp phép cũng có khiến cho chúng tôi nhiều lúc cảm thấy hoang mang, mất niềm tin vào đạo đức con người. Tôi mong pháp luật sẽ xử lý thật nghiêm để răn đe, làm gương cho người khác”, chị Hương bày tỏ.

Chị Hương cũng mong muốn các đơn vị quản lý, ngành giáo dục, chính quyền địa phương cấp xã, phường tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những cơ sở mầm non hoạt động trái pháp luật. Đồng thời, chính quyền địa phương cần giám sát chặt chẽ hơn nữa việc tuyển chọn giáo viên mầm non ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập để nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngọc Minh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động