Phòng chống thương tích cho trẻ em: Bài học từ những tai nạn đau lòng
Những tai nạn đáng tiếc
Từ đầu năm 2019 đến nay, không ít vụ tai nạn đau lòng đã xảy ra với trẻ em. Mới đây nhất là ngày 25/11, trong giờ hoạt động ngoài trời, bé Đ.T (34 tháng tuổi, đang theo học lớp nhà trẻ D2, trường Mầm non Phù Lỗ) chui người vào đường ống hình vuông thì tuột chân và người qua ô thoáng hình chữ nhật ra bên ngoài.
Ảnh minh họa |
Người cháu bé trong tư thế bị treo, đầu bị mắc kẹt và ngất xỉu. Phát hiện sự việc, các cô giáo đã đưa cháu vào phòng y tế của nhà trường để sơ cứu, sau đó tiếp tục đưa đến bệnh viện tuyến trên nhưng bé không qua khỏi.
Một vụ tai nạn đau lòng khác cũng xảy ra ở trường học trước đó không lâu (ngày 24/10/2019). Em bé không may mắn tử vong thương tâm là học sinh lớp 2B, trường Tiểu học Tuy Lai A (xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Theo đó, ngày 24/10, khi đang chơi đùa cùng bạn vào giờ ra chơi ở bãi cỏ thì bé H bất ngờ bị điện giật. Khi giáo viên phát hiện thì H đã tử vong. Nguyên nhân ban đầu có thể do em dẫm chân lên sợi dây điện bị đứt, rơi ở bãi cỏ phía sau phòng học.
Không chỉ ở trường học, ngoài nhà trường cũng có rất nhiều tai nạn đau lòng xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ sự bất cẩn của người lớn. Điển hình có thể kể đến hai vụ tai nạn do đuối nước xảy ra ở Công viên nước Thanh Hà (Khu đô thị Thanh Hà Cienco, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội). Các em bị tai nạn khi có người thân, nhiều người lớn xung quanh.
Đáng lo hơn là không ít trẻ em từng bị vật nuôi cào, cắn, tấn công, gây thương tích. Ví dụ như đầu tháng 8/2019, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận bệnh nhi H (2 tuổi) ở Hà Nội bị chó của gia đình người thân tấn công. Cháu H nhập viện với nhiều vết rách ở vùng hàm, mặt cùng vết thương nghiêm trọng trên đầu làm lộ xương sọ, mất máu nhiều.
Cách nào phòng, chống tai nạn cho trẻ?
Từ những dẫn chứng nêu trên có thể thấy, tai nạn thương tích đối với trẻ em có thể xảy ra ở bất kỳ đâu và nguyên nhân phần lớn là do sự chủ quan, bất cẩn của người lớn. Thực trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo từ gia đình, nhà trường đến cộng đồng, những người làm công tác giáo dục, cha mẹ, người thân cần chủ động trang bị kiến thức phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là phòng chống tai nạn đối với trẻ em.
Thời gian học tập, sinh hoạt của học sinh ở lớp mỗi ngày kéo dài đến 8 tiếng. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho học sinh ở trường học, về phía các nhà trường, theo bà Phương Thị Thìn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông, Hà Nội), nhà trường cần triển khai bài bản chương trình phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Ví dụ như lắp đặt hệ thống bảng, biển tuyên truyền, hướng dẫn giáo viên, phụ huynh, học sinh tổ chức sinh hoạt, vui chơi sao cho an toàn ở mọi nơi.
“Không chỉ vậy, đội ngũ cán bộ, giáo viên các nhà trường cần chủ động loại bỏ nguy cơ gây tai nạn thương tích; đồng thời trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình”, bà Phương Thị Thìn cho hay.
Không chỉ từ phía nhà trường, các bậc phụ huynh cũng cần trang bị kiến thức để tự bảo vệ con em mình. Để phòng tránh nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, tai nạn do đuối nước, các gia đình nên che đậy kín dụng cụ chứa nước khi không sử dụng, lắp rào chắn xung quanh khu vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đuối nước.
Đặc biệt, nhằm hạn chế tình trạng hóc, sặc dị vật, bác sĩ Nguyễn Hồng Vân (Bệnh viện đa khoa Việt Nam - Cuba) khuyến cáo, người lớn không nên để trẻ em cầm các loại đồ vật nhỏ khiến trẻ dễ bỏ vào miệng; gỡ bỏ các hạt, mảnh xương… trong thức ăn, trước khi cho trẻ ăn. Thêm vào đó, người thân trong gia đình không để trẻ chơi một mình xung quanh những vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ.
Trong trường hợp không may trẻ em bị hóc dị vật, bác sỹ Vân lưu ý, các bậc phụ huynh nên khuyến khích trẻ ho, rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý. Trong trường hợp trẻ không ho được, ho không hiệu quả, hoặc không tỉnh thì cần mở thông đường thở, nghe xem trẻ còn thở không. Nếu tim ngừng đập thì cần ép tim ngoài lồng ngực. Nếu trẻ tỉnh nhưng ho không hiệu quả thì cần vỗ lưng, ấn ngực.
“Giải pháp phòng chống tai nạn thương tích hiệu quả nhất chính là ý thức trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội”, bác sỹ Vân nhấn mạnh.