Bài 3: Số hóa di sản làng nghề, mở thị trường ra thế giới
Bài 2: Làng thêu long bào Đông Cứu: Trăn trở kế thừa Hồn cốt làng nghề và công cuộc mở thị trường cho giá trị di sản |
PGS.TS Phạm Ngọc Trung, Nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có gợi ý về những điều mà làng nghề Đông Cứu nên làm để bước ra thế giới.
PGS.TS Phạm Ngọc Trung, Nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền |
Làng nghề cạnh tranh trong thế giới phẳng, nghệ nhân cần hợp sức
PGS. TS Phạm Ngọc Trung cho biết: “Trước đây, làng nghề rất phát triển dù sản xuất thủ công hoàn toàn. Đến giữa thế kỷ XX, các sản phẩm làng nghề được xuất khẩu rất nhiều cho các nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng đến cuối thế kỉ XX, làng nghề đứng trước thời cơ và thách thức.
Thời cơ khi thị trường mở rộng, Đảng và Nhà nước khuyến khích sản xuất, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, đối ngoại, luật pháp cởi mở, tư tưởng đổi mới, ngoại giao phát triển.
Thách thức khi thế giới phẳng, các làng nghề cần cạnh tranh với thế giới và trong chính các làng nghề với nhau. Những làng nghề không kịp thời cải tiến sẽ khó phát triển. Nhưng cải tiến theo xu hướng nào là những điều mà các nghệ nhân phải bàn và kết hợp lại. Nếu không có sự thay đổi thì không thể thích nghi”.
Theo quy luật phát triển chung của làng nghề, có nhiều làng đi lên, nhưng cũng có làng nghề lụi tàn vì không có đầu ra sản phẩm. Quá trình sản xuất không có đầu ra hoặc gây ô nhiễm khiến Nhà nước cấm, do đó, làng cần giải quyết khó khăn mà thị trường tạo ra.
Tại làng nghề Đông Cứu, những sản phẩm thuần thủ công đặc biệt của các nghệ nhân thường được làm khi có Việt kiều, người nước ngoài tự tìm đến đặt hàng, thị trường xuất khẩu nhỏ hẹp vì sản phẩm đắt và kén khách. Còn mặt hàng rối thêu máy hoặc kết hợp thủ công và thêu máy phục vụ đơn hàng từ các làng vải, làng may như Ninh Hiệp thì không có dấu ấn riêng và dễ bị cạnh tranh bởi các làng thêu khác. Việc quảng bá thương hiệu làng nghề thường trông chờ vào các sự kiện văn hóa mà các nghệ nhân cho mượn sản phẩm để trưng bày, biểu diễn; các bài báo, clip do phóng viên thực hiện.
Các trang phục cung đình được nghệ nhân Vũ Văn Giỏi phục chế |
Thử tìm các từ khóa về làng nghề Đông Cứu, về nghệ thuật thêu cung đình ở Đông Cứu trên kênh YouTube, mạng xã hội Facebook hay một số chợ thương mại điện tử lớn ở Việt Nam như tìm kim đáy bể.
Nhìn vào thực tế ở Đông Cứu, PGS. TS Phạm Ngọc Trung cho rằng: Cần phải giữ được kỹ thuật và chất liệu riêng của Việt Nam nhưng phải chọn sao cho phù hợp với khí hậu, thời tiết, gu thẩm mỹ... của các khu vực tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là nước ngoài. Cần nghiên cứu, xâm nhập thị trường và cải tiến mẫu mã để phục vụ cho việc mở rộng kinh tế trong tương lai.
Nghệ thuật thêu cung đình được phục chế ở Đông Cứu có thể sử dụng để thêu các sản phẩm cao cấp theo đơn đặt hàng riêng |
Bên cạnh đó, làm việc với cá đối tác nước ngoài cần nguồn vốn lớn phục vụ cho thị trường lớn. Nghệ nhân, người dân cần thành lập các doanh nghiệp, các hợp tác xã, công ty, hội làng nghề, đề hùn vốn, kỹ thuật và nhân lực.
Số hóa làng nghề, tiếp thị trên mạng xã hội
Trong thế giới phẳng, ngoài việc giữ gìn bản sắc, phải làm lớn thì làng nghề cũng số hóa để hội nhập.
“Người trong làng nghề cần giỏi ngoại ngữ, giỏi công nghệ thông tin. Người dân có thể mở kênh YouTube, quảng bá trên facebook về làng nghề. Không chỉ vậy, làng nghề có thể thuê chuyên gia làm marketing trên mạng xã hội và xây dựng chiến lược, tạo kênh quảng bá, tuyên truyền riêng cho sản phẩm của làng”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nói.
Cần xây dựng kênh YouTube, Facebook riêng để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến bán sản phẩm thêu ở Đông Cứu |
Thực tế, từ lâu đã có nhiều làng nghề tại Việt Nam đã thực hiện số hóa làng nghề, quảng bá nhiều hơn các sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam tới đông đảo bạn bè trong và ngoài nước. Đông Cứu có thể học cách làm của các làng nghề này.
Như ở làng mộc Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội), kiến trúc sư Nguyễn Giang đã có hành trình hơn 10 năm số hóa các sản phẩm gỗ truyền thống làng nghề Chàng Sơn. Với mỗi clip đưa lên kênh mạng xã hội cá nhân, anh thu về hàng chục cho đến hàng trăm nghìn lượt xem và theo dõi kênh. Sản phẩm của anh cũng thu được nhiều sự quan tâm của bạn bè trong và ngoài nước. Cũng từ đó, công ty của anh có các đơn hàng trực tuyến từ trên mọi miền đổ về.
Ở làng gốm Bát Tràng, kỹ sư CNTT Trần Dương Quý cũng sử dụng facebook như một công cụ hiệu quả để tiếp thị, quảng bá và bán các sản phẩm truyền thống. Với hàng chục ngàn lượt theo dõi, mỗi ngày, anh Quý có thể nhận được hơn 100 đơn hàng, trong đó 70% là khách đặt qua Facebook.
Làng nghề cũng có thể phát triển những sản phẩm phù hợp để bán trên các trang thương mại điện tử |
“Truyền thông báo chí chỉ là một kênh góp thêm tiếng nói, mang tính chất giới thiệu, tuyên truyền. Quá trình truyền thông cần sự lâu dài và bền vững. Nội lực là yếu tố quan trọng giúp làng nghề được biết đến nhiều hơn”, PGS. TS Phạm Ngọc Trung nói.
Để thông tin lan tỏa tự nhiên trên mạng xã hội, Đông Cứu có thể xây dựng một vài điểm hợp nhãn giới trẻ để họ đến check-in, để các Youtuber thấy thú vị và tìm về làng làng vlog.
Bên cạnh đó, trong xu thế du lịch làng nghề như hiện nay, Đông Cứu cần tạo ra những điểm nhấn để hấp dẫn khách du lịch và khiến họ “móc hầu bao”. Chẳng hạn như việc tạo nên các sản phẩm nhỏ xinh vừa túi tiền như chiếc khẩu trang thêu, tạo ra dịch vụ vận chuyển dễ dàng với cước phí nhỏ cho khách du lịch mê những khung tranh lớn. Hoặc để tăng trải nghiệm làng nghề, mỗi nghệ nhân có thể làm một góc trải nghiệm nhỏ cho du khách, hướng dẫn họ tự thêu sản phẩm…
Đông Cứu cũng cần có một địa điểm, một khu vực riêng để trưng bày những gì là tinh hoa nhất của làng nghề, để giới thiệu sản phẩm, mời du khách đến tham quan, tái hiện lại không gian của làng thêu xưa cũ.
Như rất nhiều làng nghề thủ công truyền thống khác, muốn tồn tại trong thế giới phẳng, Đông Cứu cần tự tìm con đường đi của mình, phải kiên trì xây dựng thương hiệu, nâng cao về nhận thức, tổ chức, chất lượng sản phẩm.