Chuyển đổi số ở làng nghề Bát Tràng
Hà Nội: Thêm một tuyến du lịch đường sông qua Bát Tràng Tích cực số hóa làng gốm Bát Tràng Tháng 3/2024, khách quốc tế đến Hà Nội tiếp tục tăng |
Thương mại điện tử đưa làng nghề đi xa hơn
Bát Tràng là làng gốm truyền thống có tuổi đời gần 700 năm. Khu làng cổ Bát Tràng rộng 5,2ha có hàng trăm năm tuổi với 23 nhà cổ, 16 nhà thờ họ được xây dựng bằng gạch Bát Tràng cổ. Nơi đây cũng được biết đến là vùng địa linh, có 9 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc có giá trị như: Chùa Tiêu Giao, đình Giang Cao, miếu Bản, đình Bát Tràng, đền Mẫu, chùa Kim Trúc, văn chỉ Bát Tràng.
Hiện nay, xã Bát Tràng có hơn 11 thôn với trên 8.500 nhân khẩu và hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ; có hệ thống cửa hàng, cửa hiệu dọc theo tuyến đường từ làng Giang Cao đến làng Bát Tràng giới thiệu và bán các sản phẩm gốm sứ đẹp, phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách tham quan, mua sắm; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương.
Nghệ nhân của làng Bát Tràng sáng tạo sản phẩm gốm |
Bắt kịp thương mại điện tử, làng nghề Bát Tràng những năm gần đây có đã có những bước tiến xa. Theo nghệ nhân Phùng Văn Hoàn, trước kia khi chưa có sự phát triển của công nghệ, những sản phẩm của làng Bát Tràng làm ra chỉ có thể để ở nhà. Nhưng hiện nay, cả một làng nghề sản xuất với tốc độ rất cao, nếu người làm nghề không quảng bá, không tiếp cận với những kênh thông tin điện tử để đến với người tiêu dùng thì đó là thiệt thòi.
Đáng nói là, nhiều hộ kinh doanh tại đây đã tiếp cận và ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) nên doanh số bán hàng tăng cao. Anh Trần Dương Quý, một hộ kinh doanh sản phẩm gốm trên các kênh TMĐT cho biết, sau 4 năm kinh doanh online, chỉ tính riêng trên kênh Facebook sản phẩm gốm sứ Bát Tràng đã tiếp cận được 8 triệu người tiêu dùng. TMĐT đưa thương hiệu của Bát Tràng đi xa hơn. Rất nhiều đơn vị bán buôn ở các tỉnh khác biết đến dòng sản phẩm mới của Bát Tràng thông qua website và mạng xã hội Facebook.
Tích cực quảng bá trên môi trường số
Có thể nói, “cơn sốt” TMĐT đã thực sự thức tỉnh những người làm nghề ở làng gốm Bát Tràng, giúp bảo lưu giá trị cũ của làng nghề, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thay đổi tư duy sản xuất của các hộ dân truyền thống.
Điểm đặc biệt hơn, đó là cả cộng đồng làng nghề đã thực sự đồng lòng, “vào cuộc” để quảng bá làng nghề trên môi trường số. Mới đây, Hệ thống AR/VR làng gốm Bát Tràng ra mắt, góp phần quan trọng trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch, thương mại của làng nghề truyền thống gần 1.000 năm tuổi.
Hệ thống AR/VR làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/ |
Cụ thể, Hệ thống AR/VR làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/ vừa mới ra mắt với sự ủng hộ của các hộ dân trong làng. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR làng gốm Bát Tràng” do Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt, Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành Giám sát hiện trường - Trường ĐHCN - ĐHQGHN (Trung tâm FIMO), Ban đại diện làng gốm Bát Tràng, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, Trung tâm Khuyến công 1 - Bộ Công thương thực hiện.
Dự án được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023 với 21 nhân sự tham gia, bao gồm các chuyên gia lên ý tưởng, phân tích thiết kế, kỹ sư phát triển hệ thống, kỹ thuật viên thu thập và số hóa dữ liệu.
Theo định hướng của Chương trình số hóa di sản Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 và Chương trình Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bước đầu, Hệ thống AR/VR làng gốm Bát Tràng xây dựng mô hình AR/VR cho các địa điểm bao gồm các di tích lịch sử, nhà thờ các dòng họ, các điểm tham quan như Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt, con đường gốm, chùa Kim Trúc, đền Mẫu, đình làng Bát Tràng và Văn chỉ. Hệ thống cũng xây dựng mô hình AR/VR cho nhà thờ của 13 dòng họ trên tổng số 19 dòng họ của làng nghề truyền thống Bát Tràng. Các địa điểm tham quan thu hút nhiều khách du lịch cũng được số hóa như Nhà ký ức con đường lửa, nhà cổ Bát Tràng….
Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, cho biết, làng gốm Bát Tràng đang trong quá trình xây dựng Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng. Hệ thống AR/VR làng gốm Bát Tràng là một trong những hợp phần quan trọng. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá làng nghề trong thời công nghệ số hiện nay.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công 1 – Bộ Công thương chia sẻ thêm, Hệ thống AR/VR làng gốm Bát Tràng ra đời trong khuôn khổ những định hướng của nhà nước trong khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam và chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2023. Thời gian tới, các bên tham gia dự án sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch và xúc tiến thương mại trên nền tảng hệ thống AR/VR làng gốm Bát Tràng.
Mỗi năm, Bát Tràng đón trên 20 vạn lượt khách nội địa và quốc tế, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 20%. Với sự tích cực chuyển đổi số của người dân, con số khách du lịch đến làng nghề này chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.