Bài 3: Phổ cập bơi vẫn “trên giấy”

Dù thực tế báo động, các chuyên gia khuyến cáo cấp bách các giải pháp phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em. Tuy nhiên, một trong những giải pháp căn cơ để trang bị kỹ năng tốt nhất cho các em là học từ trong nhà trường, thì “phổ cập bơi” tại đây hầu như còn “trên giấy”, bởi nhiều điểm nghẽn chưa giải quyết được.
Bài 2: Nỗi đau mang tên “chết đuối” Đừng để đuối nước mãi là nỗi ám ảnh


Bể bơi xây từ lâu nhưng vẫn chưa thể hoạt động

Theo ghi nhận của PV, tại một số trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội, chẳng hạn như trường: THCS Dịch Vọng, THCS Mai Dịch, THCS Cầu Giấy… đã xây dựng bể bơi từ cách đây gần chục năm nhưng vẫn chưa được hoàn thiện, nghiệm thu để đi vào sử dụng.

Cô giáo Nguyễn Mỹ Hảo, Hiệu trưởng trường THCS Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trường THCS Mai Dịch đã xây dựng bể bơi nhưng chưa đưa vào hoạt động, bởi đề án đang trình cấp trên, chờ phê duyệt. Dù nhà trường xây dựng bể bơi từ năm 2017 nhưng sau một thời gian dài mới đầu tư trang thiết bị và hiện còn chờ nghiệm thu.

Cô Lê Kim Anh, Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy chia sẻ, năm 2010, trường THCS Cầu Giấy được thành lập và đóng chân tại phố Trương Công Giai, phường Dịch Vọng. Sau đó, năm 2011, nhà trường chuyển tới địa điểm mới tại phố Mạc Thái Tổ, phường Yên Hòa và được đầu tư xây dựng bể bơi trong nhà. Tuy nhiên, đến nay bể bơi vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

Không chỉ trường THCS Mai Dịch, THCS Cầu Giấy đã được đầu tư xây dựng bể bơi từ lâu nhưng vẫn chưa thể đi vào sử dụng, mà còn nhiều trường trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng cùng cảnh này. Điều đó một phần hạn chế không gian bơi lội, các lớp học bơi, trang bị kỹ năng đuối nước cho học sinh, thiếu nhi.

Các em nhỏ được dạy kỹ năng bơi
Các em nhỏ được dạy kỹ năng bơi từ lớp dạy bơi miễn phí của tổ chức Đoàn Thanh niên

Thầy Lưu Văn Thông, Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng bày tỏ: "Chúng tôi mong các cấp quản lý sớm có phương án để các bể bơi trong trường học được đi vào hoạt động. Đây cũng là mong mỏi của phụ huynh và học sinh.

Khi bể bơi được hoạt động, các nhà trường sẽ có thể thực hiện các tiết dạy bơi và các kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh. Do hiện nay bể bơi không hoạt động được nên nhà trường chưa có điều kiện tổ chức được các tiết dạy bơi cho các em".

Tháng 4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định phê duyệt tài liệu hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh. Theo tài liệu này, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em, cướp đi mạng sống của hơn 3.000 trẻ em Việt Nam mỗi năm.

Được biết, cách đây hơn chục năm, trong dự thảo đề án phòng chống tai nạn thương tích, có tiểu dự án về dạy bơi cho học sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhận cũng chú trọng vào việc tập trung dạy bơi cho đối tượng học sinh tiểu học, tiến tới phổ cập bơi cho 100% học sinh bậc này. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, việc tổ chức dạy bơi trong nhà trường chưa có nhiều tiến triển, chứ chưa nói đến việc thực hiện được "Đề án phổ cập bơi" cho học sinh.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để tổ chức dạy bơi trong nhà trường, một trong những điều kiện tiên quyết là phải có bể bơi, trong khi không phải nhà trường nào cũng đáp ứng ngay được nên cần có lộ trình để đưa môn bơi vào giảng dạy ở thời điểm thích hợp và phù hợp đặc điểm vùng miền.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến, các địa phương cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động đầu tư để tăng cường dạy bơi trong nhà trường bằng các hình thức phù hợp, theo mô hình kết hợp công tư, gia đình - nhà trường - xã hội.

Cách nào cũng được, miễn là biết bơi

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Ủy ban Thể dục Thể thao (tên gọi cũ của Tổng cục Thể dục Thể thao) cho rằng, phát triển phong trào bơi lội trong quần chúng Nhân dân, đặc biệt đối với trẻ em là con đường bền vững để phòng, chống vấn nạn đuối nước hiện nay.

Các em nhỏ bơi
Nhiều người cho rằng cần thực hiện nhiều giải pháp để giúp trẻ biết bơi, có kỹ năng phòng chống đuổi nước

Theo ông Minh, cần kêu gọi cá nhân, tổ chức phát huy phong trào bơi lội... Bởi điều này mang lại lợi ích to lớn, ý nghĩa thiết thực cho đời sống Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ như học sinh, sinh viên. “Hiện tại, biện pháp tổ chức theo con đường xã hội hóa là phù hợp nhất để phát triển bơi lội trên khắp mọi miền đất nước, đóng góp cho chiến lược phòng chống đuối nước trong học sinh, sinh viên nói riêng và Nhân dân nói chung”, ông Minh chia sẻ.

Anh Hoàng Lân Vũ - một người dân cho rằng: “Đưa môn bơi lội vào chương trình giáo dục ngay từ cấp 1 và là môn học bắt buộc, có giáo viên hướng dẫn, tập luyện là ổn”. Còn ý kiến của bạn đọc Phu Thì Nguyên: “Cở sở vật chất còn thiếu nhưng đầu tư chưa đúng mức thì không thể nào phổ cập bơi cho học sinh được. Trường tôi xây dựng một bể chứa nước phòng cháy hơn tỷ đồng bỏ không, thay vì công trình đó mình áp dụng hai trong một thì hiệu quả hơn vì hồ bơi nước không bao giờ cạn mà mục đích sử dụng mang lại hiệu quả cao, góp phần được giảm tải nạn đuối nước”.

Đồng quan điểm trên, nhiều người bày tỏ, thậm chí không nhất thiết là phải có bể bơi riêng từng trường, tùy điều kiện mà dạy, như thuê nơi có bể bơi, hay sử dụng bể bơi lưu động để dạy cuốn chiếu đến khi học sinh biết bơi. Đa số mọi người đồng tình nên đưa môn bơi là môn bắt buộc cho tất cả trẻ biết bơi.

Nhiều người còn cho rằng, có thể đưa môn bơi vào môn học bắt buộc trong nhà trường, hay tích cực phát triển, mở rộng các câu lạc bộ bơi lội, các chương trình, mô hình dạy bơi ngoài cộng đồng, xã hội hoá phong trào bơi lội… miễn làm sao trẻ biết bơi, bơi giỏi, có kỹ năng dưới nước, nhằm hạn chế tối đa về tai nạn đuối nước.

(Còn nữa)

Lê Dung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động