Góp sức trẻ cho “Thành phố vì hòa bình”:

Bài 2: Bồi đắp tình yêu Hà Nội từ những tiết học

Xây dựng trường học sáng xanh, sạch, đẹp; giáo dục các em hiểu được tình yêu thương, giá trị hòa bình từ các tiết giảng dạy trên lớp... là cách làm của những cô giáo trẻ. Họ đang từng ngày giúp các học trò thêm hiểu, yêu và có những hành động đẹp, xây dựng Thủ đô thân thiện, vì hòa bình.
Hà Nội bình yên đến lạ trong những ngày kỉ niệm 20 năm "Thành phố vì hòa bình" Bài 1: Nồng nàn tình yêu Hà Nội

Vun đắp tình yêu qua giờ giảng

Cô giáo Phùng Thị Vui, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A2, trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) luôn được học sinh yêu quý. Trong những tiết học, cô giúp học sinh sống đoàn kết, yêu thương, biết sẻ chia với bạn bè, gia đình và cộng đồng xã hội.

Cô Vui cho biết: “Giáo viên chủ nhiệm ở cấp THCS thường kiêm nhiệm giảng dạy nên có nhiều thời gian tiếp xúc với học trò. Muốn giáo dục học sinh về tình yêu thương con người, yêu quê hương, đất nước, yêu hòa bình… bản thân giáo viên phải có tình yêu chân thành trong chính lớp học, ngôi trường đang giảng dạy. Ngoài ra, các thầy, cô cần có chuyên môn tốt, là tấm gương cho học sinh.

Để giáo dục cho học sinh lòng yêu thương, gắn bó với nơi mình đang sống, giáo viên phải dạy các em cảm nhận từ những điều thân thuộc nhất. Đó là những người thân xung quanh, ngôi nhà, ngõ xóm của mình, những văn hóa truyền thống gia đình tốt đẹp.

bai 2 boi dap tinh yeu ha noi tu nhung tiet hoc
Cô Phùng Thị Vui, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A2 cùng các em học sinh

Với học sinh THCS, đây là giai đoạn rất quan trọng trong sự phát triển tâm sinh lý nên những bài học của giáo viên chủ nhiệm ảnh hưởng lớn đến nhận thức và tình cảm. “Giáo viên chủ nhiệm có một số giờ đặc trưng như: Sinh hoạt lớp, hoạt động ngoài giờ, giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch. Trong những giờ học đó, ngoài nội dung giảng dạy về ứng xử văn minh hay giáo dục truyền thống, giáo viên cần chỉ ra được những điều đúng, sai cho học trò.

Ví dụ như trong giờ sinh hoạt lớp, giáo viên không phê bình học sinh mà nên tìm việc làm đúng để khen và phân tích ý nghĩa. Từ đó, giáo viên động viên và tuyên dương các em. Ngược lại, nếu phê phán thì giáo viên nên chọn ra những điều gần gũi, dễ hiểu và phân tích tác hại nhằm mục đích giáo dục. Mình nên giảng dạy theo hướng ai cũng có cái sai, cần phải khoan dung để các em có cơ hội chuộc lỗi. Trong cách ứng xử, học sinh sẽ dõi theo giáo viên để rút ra được bài học cho bản thân”, cô Vui cho hay.

Trong giáo dục học sinh, bao giờ cô Vui cũng lấy những tấm gương, dẫn chứng gần gũi trong cuộc sống hay chính các việc làm của một số bạn ở trường, ở lớp để chia sẻ. “Mình dạy môn Văn. Môn này có nhiều lợi thế hơn các môn khác vì khi phân tích tác phẩm văn học bao giờ cũng hướng tới giá trị nhân văn tốt đẹp. Trong bài học, giáo viên phân tích kỹ tác phẩm, liên hệ đến thế hệ cha ông, đến bản thân các em, gia đình và lớp học, từ đó định hướng và uốn nắn suy nghĩ, hành động của các em”, cô Phùng Thị Vui chia sẻ và nói thêm: “Những hoạt động ngoại khóa, các chuyên đề và ngày lễ, tôi đều tận dụng để chia sẻ, giáo dục học sinh. Thông qua đó, học sinh biết yêu thương, gắn bó và biết chia sẻ hơn…”.

Em Nguyễn Đình Trung, học sinh lớp 7A2, trường THCS Ngọc Lâm, tâm sự: “Tình yêu gia đình, yêu bạn bè, thầy cô và tình yêu quê hương, đất nước lớn dần trong em. Cô luôn dạy chúng em bằng những hành động nhỏ như tôn trọng bạn bè, tôn trọng người khác, có ý thức giữ gìn vệ sinh chung là những việc làm hàng ngày thể hiện tình yêu của mình với Hà Nội”.

Yêu Thủ đô từ chương trình của Đội

Thông qua nhiều phong trào sôi nổi, các học sinh trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) đã được bồi đắp tình yêu Thủ đô Hà Nội. Những bài học của cô Nguyễn Thị Hảo, Tổng phụ trách Đội luôn được học trò yêu thích.

bai 2 boi dap tinh yeu ha noi tu nhung tiet hoc
bai 2 boi dap tinh yeu ha noi tu nhung tiet hoc
Cô Nguyễn Thị Hảo, Tổng phụ trách Đội, trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng (Long Biên)

Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được phân công, cô giáo Nguyễn Thị Hảo đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc phát động các chương trình của Đội Thiếu niên tiền phong của nhà trường. Các hoạt động như: Vòng tay bạn bè, tổng vệ sinh bảo vệ môi trường, nuôi heo đất gây quỹ vì bạn nghèo, thi vẽ tranh với chủ đề “Thủ đô yêu dấu” và “Thanh minh, thanh lịch”… đã thu hút được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo đội viên, học sinh và phụ huynh.

Dưới sự hướng dẫn của cô, những buổi sinh hoạt đầu giờ vào sáng thứ hai hàng tuần đều rất sinh động, tạo cảm giác phấn khởi cho những học trò nhỏ. Những hoạt động đó đã tạo sân chơi bổ ích và lành mạnh, nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy vai trò tự quản và sáng tạo của đội viên nhi đồng.

Cô Hảo chia sẻ: “Muốn đưa phong trào Đội đi lên, trước hết phải thu hút được đội viên tham gia. Vì vậy, mình luôn tìm cách gần gũi, nắm bắt tâm lý các em, tận tình hướng dẫn, thu hút học sinh tham gia phong trào. Ví dụ như làm từ thiện, tôi lấy những câu chuyện thực tế gần gũi và làm phép so sánh giúp các em có thể tự nhìn, cảm nhận. Từ đó, các em sẽ có ý thức tổ chức thực hiện”.

Để thu hút các em, cô giáo trẻ luôn đưa hoạt động thực tế vào các tiết học. Chương trình “Nuôi heo đất gây quỹ vì bạn nghèo”, tham gia trồng và chăm sóc cây xanh… đã giúp các em hiểu được ý nghĩa của từng việc làm. Những mô hình này luôn thu hút học sinh hào hứng tham gia.

“Mình tự hào với những hoạt động nhỏ góp phần hình thành nên thế hệ trẻ của Thủ đô giàu lòng nhân ái, yêu thiên nhiên, yêu những người xung quanh mình; xứng đáng là công dân của “Thành phố vì hòa bình””, cô Hảo vui mừng cho biết.

(Còn nữa)

Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động