Cải tạo chung cư, khu tập thể cũ: Tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển đô thị

Bài 1: Sống thấp thỏm trong những khu chung cư chờ... sập

Nhiều khu chung cư, tập thể cũ ở Hà Nội đã ở cấp độ nguy hiểm, cần di dời khẩn cấp nhưng tốc độ thực hiện cải tạo, sửa chữa vẫn rất chậm.
Chung cư cũ chậm được cải tạo và xây dựng lại, nguyên nhân do đâu? Hà Nội khẩn trương di dời người dân ra khỏi chung cư cũ xuống cấp Cuộc sống đầy rẫy nguy hiểm của người dân trong khu tập thể giữa Thủ đô

Hà Nội có hơn 1.500 chung cư cũ nát, xuống cấp

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.516 chung cư cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954.

Mật độ xây dựng hầu hết tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu, dân cư tăng khoảng 1,5 lần. Trong khi đó, hệ thống kỹ thuật nói chung ở các chung cư đều cũ nát, đặc biệt hệ thống cấp nước do dân tự cải tạo thành mạng lưới đường ống chằng chịt trên mặt nhà, rất mất mỹ quan.

Đáng lo ngại là hầu hết các chung cư cũ đều không có hệ thống phòng cháy chữa cháy. Việc duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức, đã dẫn đến hư hỏng, xuống cấp nhanh gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Mặc dù là vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân nhưng công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là vấn đề không đơn giản.

Bài 1: Sống thấp thỏm trong những khu chung cư chờ... sập
Nhà G6A của khu tập thể Thành Công được đánh giá là một trong 2 chung cư nguy hiểm nhất Hà Nội

Khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) được xây dựng từ những năm 1960 - 1970, gồm 67 dãy nhà. Trong đó, nhà G6A của khu tập thể này được đánh giá là một trong 2 chung cư nguy hiểm nhất Hà Nội.

Năm 2016, căn cứ kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của 42 chung cư cũ hỏng, xuống cấp trên địa bàn thành phố của Sở Xây dựng, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 2000/UBND-XDGT ngày 25/4/2016 về việc tổ chức di dời khẩn cấp các chủ sử dụng, sở hữu tại đơn nguyên 1 và 2 nhà G6A Thành Công (phường Thành Công, quận Ba Đình).

Toà nhà G6A bị đánh giá ở mức độ D - mức độ nguy hiểm nhất cần phải di dời. UBND phường Thành Công đã treo thông báo cụ thể để vận động, tuyên truyền cho cư dân nhằm tháo gỡ, di dời những phần chuồng cọp, phần cơi nới thêm. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại vẫn còn 30 hộ sinh sống.

Nguyên nhân của sự việc này là do các hộ dân khu tập thể G6A Thành Công cho rằng phương án kỹ thuật kiểm định của các cấp chính quyền chưa phù hợp và chính xác, cần phải bổ sung một số hạng mục nữa nên đến nay kết quả của việc kiểm định vẫn chưa nhận được sự đồng thuận, nhất trí của người dân. Ngoài ra, nhiều người dân tại đây chưa chịu di dời vì kế hoạch xây lại khu tập thể G6A Thành Công vẫn chưa rõ ràng. Các hộ dân đều mong muốn được tái định cư tại chỗ.

Bài 1: Sống thấp thỏm trong những khu chung cư chờ... sập
Đơn nguyên 1 - nhà A Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp

Ông Nguyễn Văn Chi, cư dân tại đây cho biết: “Chúng tôi đã gửi đơn tới các cấp lãnh đạo, chính quyền và cầu cứu các cơ quan báo chí từ mấy năm nay nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết. Trong các cuộc họp với cơ quan chức năng, chúng tôi yêu cầu được trả lời rõ bằng văn bản nếu chuyển tới nơi tạm cư thì khi khu tập thể này được xây lại, chúng tôi có được chuyển về chỗ cũ hay không nhưng chính quyền chưa trả lời rõ ràng vấn đề này”.

Nhiều hộ dân đang sinh sống tại đây cũng cho biết: “Chúng tôi đồng tình với chủ trương xây dựng lại những khu tập thể đã xuống cấp của UBND TP Hà Nội nhưng cần phải rõ ràng, chi tiết hơn về những chính sách tái định cư, tiến độ xây dựng cũng như mức diện tích khi công trình hoàn thiện. Nếu không giải quyết được thỏa đáng vấn đề này, chúng tôi nhất quyết không rời đi, bất chấp nguy hiểm”.

Trải qua mấy chục năm sử dụng, tòa nhà đã bộc lộ nhiều vấn đề lo ngại như sự sụt lún của 2 đơn nguyên, điều này có thể quan sát bằng mắt thường và dễ dàng nhận thấy khe nứt của 2 nguyên đơn từ 30 - 60cm.

Ông Nguyễn Văn Chi cho biết, đơn nguyên 1 và 2 của toà nhà G6A Thành Công nằm trên hai móng độc lập, được xây bằng gạch. Sau một thời gian sử dụng, tuy khu tập thể bị nghiêng nhưng ổn định gần 30 năm nay mà không bị lún thêm, hệ thống sàn, gạch nền không bị nứt.

Nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ

Không chỉ khu G6A, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội còn nhiều khu chung cư, tập thể cũ, xuống cấp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống cuả người dân như tòa nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa, Hà Nội). Tòa nhà ngày càng xuống cấp nghiêm trọng sau khi bị ảnh hưởng bởi vụ sập nhà từ 10 năm trước. Hệ thống cột dầm chịu lực của tòa nhà đã bị nứt, lún nghiêm trọng, phần lan can cũng đã bị hỏng.

Bài 1: Sống thấp thỏm trong những khu chung cư chờ... sập
Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội còn nhiều khu chung cư, tập thể cũ, xuống cấp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống cuả người dân

Bà L.T.H, một hộ dân sinh sống tại tòa nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng cho biết: Cuối tháng 3/2011, ngôi nhà 5 tầng số 49 Huỳnh Thúc Kháng “bỗng dưng” sụp xuống, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ dân sống liền kề. Sự cố này gây ảnh hưởng nặng nhất là các hộ dân sống trong chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng. Tại thời điểm đó, chính quyền đã huy động các hộ dân di chuyển đến nơi ở khác để đảm bảo ổn định.

Theo bà H, tòa nhà 51 trước đó có 19 hộ dân. Đã có 15 hộ đã di dời đến khu nhà ở tái định cư ở Đại Kim, hiện chỉ còn có 4 hộ sinh sống tại đây. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sự cố vẫn chưa được khắc phục, người dân đã di dời vẫn chưa biết ngày nào được trở về.

Còn tại đơn nguyên 1 - nhà A Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội), khu nhà chung cư này đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Phía bên trong khu chung cư tường sơn bong tróc, nhiều nơi rêu bụi bám đầy, màu sơn vàng cam đã ngả ố sang màu nâu đen. Khu đơn nguyên 1A này hiện có khoảng 26 hộ gia đình sinh sống. Hiện nay còn lại gần 10 hộ chưa thực hiện việc di dời khỏi công trình nguy hiểm cấp độ D này.

Ông Nguyễn Văn Trí sinh sống tại khu chung cư này cho biết, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần thông báo về mức độ xuống cấp của chung cư và vận động người dân đi tạm cư. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa biết “đi đâu, về đâu, khi nào có thể quay trở lại khu nhà ở đã theo mình trong suốt hơn 30 năm qua”.

Không chỉ những địa chỉ đã nêu ở trên, hiện toàn thành phố còn có nhiều khu chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D đang được các quận của thành phố Hà Nội tổ chức di dời nhưng chưa có phương án xây dựng lại. Từ hơn 10 năm trước, thành phố đã đưa ra chương trình cải tạo, nâng cấp, xây mới các chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn với nhiều nhiều chính sách ưu tiên để kêu gọi doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có rất nhiều vướng mắc. Sau hơn 10 năm triển khai, chương trình này gần như dậm chân tại chỗ khi mới chỉ có hơn 20 chung cư cũ đã và đang được xây dựng mới, chiếm hơn 1%.

(Còn nữa)

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động