Bác sĩ mách bạn: Chườm khi sốt, dân Việt toàn làm sai
Dùng khăn có nước, đắp lên vị trí có mạch máu lớn đi qua
Theo các bác sĩ: Nhiệt độ cơ thể bình thường của trẻ là từ 36 độ C -37,4 độ C. Khi thân nhiệt trẻ 37,5 độ C - 38 độ C là sốt nhẹ; trên 38 độ C – 39 độ C: sốt vừa; trên 39 độ C - 40 độ C: sốt và trên 40 độ C là sốt rất cao.
Nguyên nhân sốt có thể do nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus tại các cơ quan như hệ hô hấp, tiêu hóa, sinh dục - tiết niệu..; nhiễm kí sinh trùng; các bệnh lý tự miễn; hoặc do các bệnh lý ác tính...một trong cách hạ sốt tại chỗ đó là chườm. Tuy nhiên, không phải cách chườm nào cũng mang lại hiệu quả, thậm chí còn có tác dụng ngược lại.
Chườm khi sốt - Dân mình toàn làm sai |
Theo Bác sĩ Phí Văn Công, hiện đang công tác tại khoa nhi một bệnh viện ở Hà Nội đã liệt kê những sai lầm kinh điển và vô cùng phổ biến của các bà mẹ Việt khi chăm con sốt và cách chườm khi sốt đúng cách:
“Hôm rồi đi khám, đứa trẻ bé tin hin nằm giữa giường, có chậu nước to gấp đôi người cháu bên cạnh và mấy chục miếng khăn, hai bà đang hì hục lau người cho cháu, mình hỏi đùa, bà đang tắm cho cháu à. Hai bà nhìn nhau, rồi nhìn mình: “Ối bác sĩ ơi, ơn giời bác sĩ đến rồi. Cháu nó sốt cao quá, từ sáng đến giờ tôi chườm mà không đỡ gì. Chưa bao giờ nó sốt cao thế này”.
Mình hỏi bao nhiêu độ vậy bà, bà nói “tôi không đo, sờ người nó nóng ran lên, tôi sợ quá”.
Mình thử nhúng tay vào chậu nước, thấy nóng bỏng tay mới tá hỏa đề nghị gia đình không chườm nữa vì họ đang làm sai cách” - Bác sĩ Công chia sẻ.
Theo giải thích: Cơ thể con người có 4 cơ chế thải nhiệt chính. Trong đó có cơ chế gọi là Truyền nhiệt trực tiếp. Việc chườm là dựa nhiều vào kiểu thải nhiệt này.
“Dân mình nhiêu người cứ hì hục chườm mà chườm chưa đúng nên không có tác dụng lại mệt người. Chườm khi sốt là mình lấy khăn có nước, đắp lên vị trí có mạch máu lớn đi qua, để dòng máu đó mang nhiệt độ cao của cơ thể, truyền sang nước có nhiệt độ thấp hơn. Vị trí mạch máu lớn là 2 bên nách, 2 bên cổ, 2 bên bẹn chứ không phải đắp khăn lên trán như các mẹ Việt vẫn hay làm”.
Nước chườm cần thấp hơn cơ thể người bệnh từ 1 - 2oC
Khi trẻ sốt ở ngưỡng trên dưới 39 độ C, bố mẹ có thể áp dụng phương pháp chườm khăn ướt nhúng vào nước ấm. Các bậc phụ huynh không nên dùng nước quá nóng (nếu nhúng tay vào nước mà có cảm giác nóng thì không hiệu quả).
Nên chườm nước thấp hơn cơ thể người bệnh từ 1 - 2oC |
“Mình sờ bao nhiêu cái chậu nước chườm rồi, đều nóng quá. Chườm dựa vào chuyện nhiệt độ cơ thể cao hơn thì truyền nhiệt sang cái khăn chườm có nhiệt độ thấp hơn rồi dần dần cái khăn đó nóng lên, mình lại thay khăn khác. Cái này là cơ chế thải nhiệt trực tiếp. Thế thì nước chườm phải thấp hơn nhiệt cơ thể người bệnh từ 1 - 2oC. Nhưng khi chườm lạnh quá sẽ làm các mạch máu co lại, lỗ chân lông cũng co lại làm cho nhiệt không thoát ra ngoài được và trẻ sẽ càng sốt cao hơn.
Vì thế, theo Bác sĩ Công, khi trẻ bị sốt cần để trẻ nằm ngửa trên giường. Cởi bỏ bớt, nới rộng quần áo của trẻ. Đo lại thân nhiệt của trẻ sau mỗi 15 - 30 phút chườm để kiểm tra sự thay đổi của nhiệt độ. Dừng chườm cho trẻ khi nhiệt độ < 37,5°C. Khi chườm cho trẻ động tác phải nhẹ nhàng, tránh chà xát làm tổn thương da, gây đau rát, mẩn đỏ. Sau đó lau khô người và mặc lại quần áo mỏng cho trẻ.