Để thất bại đừng hại đến con...

Nhiều học sinh lớp 10 thi trượt trường công đang phải chịu quá nhiều áp lực từ phía gia đình. Có em bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà, có em chịu bạo lực tinh thần khi bị bố mẹ "không nhìn mặt", dẫn đến có trường hợp tự trừng phạt bản thân hoặc không kiểm soát được hành vi.
Chìa khóa để thành công là phải… yêu thích sự thất bại Chàng trai “vàng” Toán học và bí quyết không nản sau thất bại

Cha mẹ trút hết thất vọng, giận giữ vì con thi trượt

Kỳ thi vào lớp 10 THPT năm nay, Hà Nội có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS, tăng hơn 5.000 so với năm ngoái. Như vậy, khoảng 60% học sinh được đỗ vào công lập, còn lại vào trường tư, giáo dục thường xuyên và học nghề.

Chiều nay (5/7), các thí sinh trúng tuyển sẽ nộp hồ sơ nhập học, thí sinh làm đơn phúc khảo thì chờ đợi điểm thi hoặc thí sinh không trúng các nguyện vọng tìm cho mình một lựa chọn khác ở ngôi trường ngoài công lập.

Trái ngược với sự hân hoan, vui vẻ khi trúng tuyển là nỗi buồn tủi thất vọng của các em chẳng may thi trượt vào lớp 10. Câu chuyện được bàn tán xôn xao trên mạng xã hội mới đây đã khiến nhiều người phải lên tiếng về áp lực mà các em học sinh đang phải chịu đựng sau kỳ thi.

Một bài viết được cho là của một nam sinh sinh năm 2009 trượt nguyện vọng 1 có dòng chia sẻ khiến nhiều người không kìm được nước mắt.

Để thất bại đừng hại đến con...
Những dòng chia sẻ của nam sinh 2k9 đang được lan truyền trên mạng xã hội

Thực tế, đạt được số điểm 42,25 cho thấy nam sinh có thành tích học tập rất tốt, chỉ là may mắn đã chưa mỉm cười với em.

Hay sáng sớm ngày hôm nay (5/7), một tài khoản facebook cũng chia sẻ về câu chuyện nữ sinh Hà Nội thi trượt lớp 10 bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà. Theo đó, chủ bài viết đã chia sẻ như sau:

Để thất bại đừng hại đến con...
Bài viết chia sẻ về câu chuyện nữ sinh Hà Nội thi trượt lớp 10 bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà

Bên dưới bài đăng, không ít người để lại lời động viên nữ sinh cố gắng vượt qua nỗi buồn thiếu điểm để tiếp tục con đường học tập, phấn đấu ở môi trường mới.

"Đau lòng nhất là những đứa trẻ học rất khá nhưng chọn nguyện vọng sai hoặc gặp mã đề "khoai". Đau lòng nữa là các cha mẹ lỡ kỳ vọng vào con cái mình quá, mặt mũi cha mẹ lớn hơn cả thất bại của con. Điều này chỉ tội cho lũ trẻ, những đứa trẻ còn chẳng biết cuộc đời này sẽ đi về đâu? Chúng thực sự muốn làm gì? Làm đứa trẻ ngoan, điểm cao hay được làm người như chúng muốn?”, một phụ huynh chia sẻ.

Nhiều người cũng gửi gắm tới những bậc cha mẹ, không nên tạo áp lực quá mức cho con cái. Có lẽ vì đặt hy vọng quá cao nên khi con không đạt được thành tích như mong đợi, cha mẹ mới nảy sinh những phản ứng tiêu cực.

Thất bại "quý giá"

Đọc xong những chia sẻ của các sĩ tử này, có lẽ, ai cũng đều thấy lòng nặng trĩu. Trong hàng trăm, hàng nghìn bình luận, có những chia sẻ đầy biết ơn vì cha mẹ đã cảm thông và đồng hành: "Kỳ thi nào qua đi cũng vậy, khi càng chứng kiến nỗi buồn của nhiều học sinh thi trượt, tôi lại càng nhớ đến mình của năm xưa. Ngày đó, tôi thi trượt, nhưng tôi biết ơn bố mẹ, bởi thay vì quát mắng, đánh đuổi, bố mẹ lại giảng giải để tôi hiểu rằng, việc đỗ trượt không quá nghiêm trọng và tôi hoàn toàn có thể thay đổi nếu biết cách cố gắng".

Tương tự, một số phụ huynh có con thi trượt đã để lại bình luận rằng, họ cũng buồn, lo, thất vọng chứ, nhưng để tốt cho con thì trước hết mình cần mạnh mẽ, lạc quan. Thương con là phải dạy cho con hiểu, trong cuộc đời sẽ còn có nhiều lần thất bại. Điều quan trọng là bài học từ thất bại thế nào? Cách để vượt qua nó ra sao. Biến thất bại hôm nay trở thành điều quý giá, giúp 1 đứa trẻ vượt lên thất bại để khẳng định bản thân.

Để thất bại đừng hại đến con...
Phụ huynh đưa học sinh đến điểm thi vào lớp 10 THPT

Chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: Thực ra, mục tiêu trong cuộc sống của chúng ta không phải là vào một ngôi trường, cũng không phải là kiếm được một công việc có nhiều tiền. Mục tiêu trong cuộc sống của chúng ta là sống hạnh phúc. Mục tiêu của cuộc đời phải là trở thành con người tốt, sống hạnh phúc và có đóng góp gì đấy tích cực cho xã hội. Mục tiêu nên là như vậy, và việc đỗ vào ngôi trường mong muốn chỉ là một trong những con đường, phương tiện đi đến mục tiêu, bên cạnh nhiều con đường khác, có thể là khó khăn hơn một chút ở thời điểm hiện tại… Nhưng dường như bố mẹ chưa chuẩn bị cho con điều đó.

PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh: “Vì vậy, bố mẹ hãy học cách chấp nhận con thất bại và giúp con thất bại một cách thông minh, để thất bại đừng hại đến con của mình. Thất bại ở đây không phải là mất mục tiêu mà là thất bại trên con đường đi đến mục tiêu. Và sau mỗi một thất bại thì con rút ra bài học gì để có thể đứng lên đi tiếp, như nhà khoa học Thomas Edison đã phải thất bại hơn 10.000 lần trong việc tìm ra chất liệu làm sợi đốt bóng đèn”.

Để thất bại đừng hại đến con...
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, bố mẹ hãy học cách chấp nhận con thất bại và giúp con thất bại một cách thông minh, để thất bại đừng hại đến con của mình. (Ảnh: Ebox)

Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục cũng đưa ra một vài lời khuyên nhằm ngăn chặn tối đa hiện tượng tiêu cực này ở lớp người trẻ, theo ông, phải giáo dục làm sao cho con hiểu về việc sống hạnh phúc, làm thế nào để cho mỗi một ngày trôi qua của trẻ hạnh phúc và làm cho trẻ nhìn thấy một cuộc đời mà mình hướng đến.

Tiếp đó là phải hướng dẫn, trang bị cho con kỹ năng tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình hằng ngày, hằng giờ, coi đó là một kỹ năng sinh tồn đầu tiên và phải dạy cho con một cách nghiêm túc khi con bước vào giai đoạn vị thành niên, phải đối diện với rất nhiều áp lực từ cuộc sống. Nếu không, trẻ có thể sẵn sàng chọn từ bỏ cuộc đời chỉ vì những áp lực tinh thần.

Phó giáo sư Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên: "Những bậc cha mẹ đừng cứ khư khư nói về thành công của những người khác trước mặt con, rồi thể hiện rõ thái độ ngưỡng mộ. Điều này vô hình trung tạo nên áp lực cho đứa trẻ, làm đứa trẻ tự quy tội cho bản thân, cho những thất bại mà con đang phải đối diện. Nhiều phụ huynh cứ bông đùa rằng: "Học thế này thì mai này chỉ đi quét rác". Tuy nhiên, những câu nói đó cũng đã góp phần hình thành trong tư duy trẻ thế nào là thành công, thế nào là thất bại, và vô tình làm hại đến con".

Quỳnh Giang
Phiên bản di động