Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai hiến kế chống dịch

Bệnh viện dã chiến số 2 được đặt tại nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang, với quy mô 620 giường cùng 500 cán bộ nhân viên y tế. Những ngày qua, cùng với các y, bác sĩ tỉnh Bắc Giang, y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai vừa tham gia chống dịch, vừa "hiến kế" bằng kinh nghiệm của đơn vị từng bị phong tỏa 14 ngày do có 40 ca bệnh Covid-19 được phát hiện hơn 1 năm trước.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 1.500 nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai “Phạt nguội” nữ lái xe công nghệ 28 lần vi phạm dừng đỗ tại Bệnh viện Bạch Mai
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai hiến kế chống dịch
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai hiến kế với kinh nghiệm khoanh vùng dập dịch (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kết nối hợp lý nhóm chuyên môn và hành chính, trong và ngoài

Theo ThS. Bác sĩ Ngô Đức Hùng - chuyên gia hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai, hơn 500 bệnh nhân nhập viện trong một ngày là số lượng rất lớn. Do vậy một trong những nhiệm vụ hành chính nặng nề là phải lấy dữ liệu, thông số bệnh nhân hàng ngày và quá trình theo dõi.

“Công việc chuyên môn tại đây không quá nặng vì bệnh nhân chỉ có 1 bệnh. Nhiệm vụ của đội chuyên môn là lọc xem bệnh nhân nào có dấu hiệu nặng, phát hiện sớm để chuyển đi bệnh viện điều trị - giao cho nhóm chuyên môn trực – đã được huấn luyện để phát hiện bệnh nhân nặng. Vấn đề là cần kết nối nhóm chuyên môn và nhóm hành chính, phối hợp bên trong và bên ngoài hợp lý, an toàn...” - Bác sĩ Ngô Đức Hùng cho biết.

Kiểm soát nhiễm khuẩn - phải thực hành an toàn thành thói quen

Vấn đề chống nhiễm khuẩn là rất quan trọng đối với một bệnh viện có tới hơn 620 bệnh nhân. Theo TS Trương Anh Thư - Phó trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai, do Bệnh viện Dã chiến số 2 được thiết lập trong thời gian ngắn và tiếp nhận số lượng bệnh nhân quá lớn, lại có nhiều đơn vị đến làm việc nên kiểm soát nhiễm khuẩn không thể như trong các bệnh viện.

“Sau hơn 2 ngày hoạt động đã có nhiều vấn đề phát sinh, vì thế cần phải thực hành an toàn thành thói quen của mọi người và bổ sung trang thiết bị, phương tiện phục vụ kiểm soát nhiễm khuẩn..” - TS Trương Anh Thư nhấn mạnh.

Quản lý kịp thời người mặc quần áo bảo hộ ra ngoài bệnh viện

TS.BS Đỗ Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, công tác quản lý để tránh trường hợp bệnh nhân hay nhân viên y tế mặc áo bảo hộ đi ra phía ngoài.

“Hiện tại mới chỉ hơn 3 ngày vận hành, nhưng sau 1 tuần, bệnh nhân sẽ cảm thấy cuồng chân và có thể sẽ đi lại khắp nơi. Chúng ta cần nhìn ra trước để có biện pháp quản lý kịp thời và hiệu quả..”, TS. Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Điều chỉnh suất ăn phù hợp đối tượng

Bên cạnh đó, Bác sĩ Ngô Đức Hùng cho rằng, suất ăn cho bệnh nhân cũng cần điều chỉnh về định lượng: “Cần có quy trình, phân bổ hợp lý, vì tại đây có cả bệnh nhân là công nhân và bệnh nhân là trẻ nhỏ. Trong số công nhân lại có nam thanh niên có nhu cầu ăn nhiều hơn so với bệnh nhân nữ...”.

Bác sĩ Nguyễn Như Phố - Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang ghi nhận những ý kiến đóng góp và khẳng định sẽ phối hợp với các bên liên qua khắc phục và cố gắng đáp ứng tối đa yêu cầu thực tế tại bệnh viện dã chiến.

Hoa Thành
Phiên bản di động