Gia tăng số người trẻ nghiện game đi khám, điều trị tâm thần

Thống kê tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho thấy đang có sự gia tăng thanh thiếu niên đến khám, điều trị nghiện game và các bệnh rối loạn tâm thần kèm theo.
Trẻ nghiện game gia tăng, làm sao ngăn? Gã trai trẻ lên mạng internet học cách phá cửa cuốn, gây ra 7 vụ trộm cắp 10X nghiện game "hack Facebook" lừa đảo chiếm đoạt 20 triệu đồng

Thông tin của các chuyên gia Viện Sức khỏe tâm thần cho thấy, tỷ lệ mắc nghiện game toàn cầu ở mức 8,5% đối với nam và 3,5% đối với nữ.

Trong tất cả các khu vực toàn cầu, Châu Á cho thấy tỷ lệ lưu hành cao nhất (6,3%), Bắc Mỹ (3,6%), Châu Đại Dương (3,0%) và Châu Âu (2,7%). Trẻ em và nhóm tuổi vị thành niên có tỷ lệ lưu hành cao nhất (6,6%).

Viện Sức khỏe Tâm thần thông tin, hiện mỗi tháng có nhiều thanh thiếu niên đến khám vì nghiện game, trong đó có 3 - 4 trẻ phải nhập viện điều trị. Lứa tuổi nghiện game chủ yếu là từ 10 - 24 tuổi. Đa số các em nhập viện trong tình trạng nặng, chơi game lâu năm, có các rối loạn cảm xúc, hành vi kèm theo.

Gia tăng số người trẻ nghiện game đi khám, điều trị tâm thần
Hình ảnh các bạn trẻ chơi game online

Theo BS Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó phòng Sử dụng chất và Y học hành vi (M7) Viện Sức khỏe tâm thần, nghiện game là khi "người chơi" chơi game một cách cưỡng bức, bỏ qua các sở thích khác; hoạt động trực tuyến liên tục và lặp đi lặp lại dẫn đến tình trạng suy yếu hoặc đau khổ đáng kể về mặt lâm sàng.

Người nghiện game dành phần lớn thời gian cho game dẫn đến suy giảm về kết qủa học tập và giảm hiệu suất công việc. Họ trải qua các triệu chứng cai khi không chơi game như bồn chồn, bứt dứt, cáu gắt…

Nghiện game, nghiện internet thường được kích hoạt bởi nhu cầu thỏa mãn cảm xúc tiêu cực như trầm cảm, lo âu, căng thẳng, hoặc cô đơn.

Người dùng tìm đến internet như một phương tiện để trốn tránh và xoa dịu những cảm xúc này. Đây chính là cảm xúc mà giới trẻ thường gặp phải và game hay internet là "công cụ" chạy trốn hiệu quả nhất.

BS Ngọc cho biết thêm, sử dụng internet khiến cho hệ thống tưởng thưởng của não bộ tiết ra các chất như dopamine, gây ra cảm giác hưng phấn và thỏa mãn. Điều này dẫn đến việc người dùng muốn trải nghiệm cảm giác này nhiều lần hơn và dễ dàng dẫn đến nghiện.

Điển hình gần đây, các chuyên gia của Viện Sức khỏe tâm thần đã tiếp nhận bệnh nhân P.M.Q, 22 tuổi, đã từng học tại 1 trường đại học tại Hà Nội nhưng nay đã bỏ dở giữa chừng. Được biết, đây là lần thứ 2 bệnh nhân nhập viện vì nghiện game đến mức mất kiểm soát hành vi, bỏ bê mọi việc, chỉ sống trong thế giới game.

Theo chia sẻ từ người nhà, bệnh nhân chơi cả ngày lẫn đêm, có ngày dành 10 - 12 tiếng/ngày để chơi game. Thậm chí nếu được nghỉ học bệnh nhân dành cả ngày chơi game, chỉ ăn uống qua loa như mỳ tôm hay nước tăng lực.

Theo BS Long, trường hợp của bệnh nhân Q là 1 trong nhiều bạn trẻ nhập viện trong thời gian gần đây vì các biểu hiện tâm thần bất ổn sau 1 thời gian dài nghiện game.

Tuy nhiên theo BS Long, không phải trường hợp nào cũng phải nhập viện để "cai game".

Chỉ những trẻ nghiện game, kèm theo những biểu hiện rối loạn cảm xúc, tâm thần, ăn ngủ thất thường dẫn đến trầm cảm, stress, xa lánh xã hội, bỏ bê chuyện học hành, công việc… mới cần nhập viện. Những trường hợp này ngoài liệu pháp tâm lý còn phải cần điều trị hóa dược để chữa trị từ cảm xúc đến hành vi.

Khánh Khoa
Phiên bản di động