Bắc Giang thu hút được gần 4,2 tỷ USD vốn đầu tư FDI
Tỉnh Bắc Giang bước vào thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 trong bối cảnh tỉnh đứng trước cơ hội để “bứt phá” phát triển mạnh mẽ trên cơ sở những thành tựu phát triển đã đạt được trong những nhiệm kỳ trước.
Tuy nhiên, ngay từ đầu nhiệm kỳ đã gặp phải sự bùng phát của đại dịch COVID-19 dẫn đến khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, có những diễn biến mới chưa từng có tiền lệ, vượt ngoài khả năng dự báo, tác động rất lớn và khó thích ứng, ứng phó kịp thời với tình hình mới.
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, từ năm 2021 đến hết 30/6/2023 thu hút vốn đầu tư FDI của Bắc Giang đạt được gần 4,2 tỷ USD |
Với phương châm "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo" và tinh thần đổi mới, sâu sát, quyết liệt, cụ thể, thiết thực, hiệu quả, quyết tâm cao, Tỉnh ủy và các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã chủ động đề ra các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, cụ thể, sát thực tế, phù hợp trong từng giai đoạn và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Chính vì vậy, Bắc Giang đã đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực; xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật, nhiều chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ đứng thứ nhất và nằm trong nhóm các tỉnh, thành đứng đầu cả nước, đó là:
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, hằng năm luôn nằm trong nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước; bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 14%/năm (từ năm 2016 – 2023 có 7/8 năm tăng trưởng ở mức hai con số, trừ năm 2021 do tác động dịch Covid-19, tốc độ tăng 8,1%), đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, bằng với bình quân giai đoạn 2016-2020, đứng đầu cả nước.
Quy mô nền kinh tế năm 2023 dự kiến đạt trên 180 nghìn tỷ đồng, tăng gấp gần 1,5 lần so năm 2020 và gấp 3 lần so năm 2015, vươn lên thứ 12 cả nước, vượt mục tiêu đề ra đến cuối nhiệm kỳ, tăng 4 bậc so với đầu nhiệm kỳ và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Tăng trưởng cao đã thu hẹp đáng kể chỉ số GRDP bình quân đầu người so với cả nước, năm 2023 ước đạt 3.900 USD/người/năm, bằng 87,9% bình quân chung cả nước (tăng 5% so đầu nhiệm kỳ).
Môi trường đầu tư kinh doanh của Bắc Giang được cải thiện và có sự bứt phá mạnh mẽ, lần đầu tiên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 đứng thứ 2 cả nước |
Hai là, cả 3 ngành kinh tế (công nghiệp – xây dựng; dịch vụ; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản) liên tục duy trì được tốc độ phát triển, đặc biệt ngành công nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng rất cao, bình quân 20%/năm, tiếp tục khẳng định rõ vai trò là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng; đã đưa công nghiệp Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp mới của vùng và cả nước.
Ba là, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và có sự bứt phá mạnh mẽ, lần đầu tiên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 đứng thứ 2 cả nước; Cải cách hành chính đạt kết quả nổi bật, chỉ số cải cách hành chính PAR Index xếp thứ 4 cả nước;
Bốn là, thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư nước ngoài luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Từ năm 2021 đến hết 30/6/2023, thu hút được gần 4,2 tỷ USD vốn đầu tư FDI (luỹ kế Tỉnh đã thu hút được gần 9,5 tỷ USD vốn FDI), đã tạo ra động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Năm là, công tác quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâ, tạo đột phá cho phát triển. Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hạ tầng giao thông được đầu tư, khơi thông các điểm nghẽn về kết nối liên vùng: Giữa Bắc Giang với Thủ đô Hà Nội, sân bay Nội Bài; Bắc Giang với Quảng Ninh, Hải Dương để kết nối với thống cảng biển; Bắc Giang với Lạng Sơn nằm trên hành lang kinh tế, cửa khẩu Hữu Nghị và Bắc Giang với Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Sáu là, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển toàn diện, thuộc nhóm tiên tiến của cả nước với nhiều điểm sáng (tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, kết quả thi học sinh giỏi quốc gia vươn lên nhóm dẫn đầu cả nước). Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt; đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành cầu Như Nguyệt tạo tiền đề giao thương thông thoáng, kết nối phát triển kinh tế xã hội của Bắc Giang với các tỉnh, thành phố |
Bảy là, công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 còn 3,81%, thấp hơn bình quân chung cả nước; chế độ chính sách hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 triển khai nhanh, kịp thời. Công tác đền ơn đáp nghĩa, người có công, bảo trợ xã hội được thực hiện hiệu quả; đời sống của Nhân dân nhìn chung ổn định và được nâng lên.
Tám là, năng lực chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước tiếp tục được nâng lên; thể hiện rõ nét qua công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, triển khai các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước được chú trọng và có chuyển biến.
Chín là, Quốc phòng, An ninh được bảo đảm; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không để hình thành điểm nóng, bảo đảm môi trường an ninh, an toàn cho phát triển;
Mười là, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc. Công tác đối ngoại, liên kết được mở rộng, vị thế, hình ảnh tỉnh Bắc Giang tiếp tục được khẳng định và ngày càng được nâng lên.
Trong thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính. Trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển vùng kinh tế trọng điểm, sản phẩm chủ lực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, nhà ở công nhân, phát triển du lịch, giải quyết các vấn đề môi trường.