Ấm tình đồng đội ở Vị Xuyên
Nghĩa tình với Hà Giang Nghĩa trang Vị Xuyên - Những ngày tháng 7... Tri ân các anh hùng liệt sĩ trên mặt trận Vị Xuyên |
Miền ký ức thoảng khói nhang
Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ đã hy trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong số hơn 1.900 phần mộ ở đây, có 80 liệt sỹ là những người con ưu tú của tỉnh Hà Giang và hơn 340 ngôi mộ vẫn chưa tìm được danh tính người ngã xuống.
Đoàn người lặng lẽ trong bộ quân phục xanh, xếp hàng nghiêm trang trước đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang. Những chàng trai, cô gái năm ấy giờ đã lên chức ông, bà, cùng nhau thắp nhang cho đồng đội thân thương. Họ chẳng thể kìm nổi những giọt nước mắt nghẹn ngào khi về lại chiến trường xưa.
Những người cựu chiến binh tìm về nơi chiến trường Vị Xuyên xưa. |
Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên rộng lớn cùng đài tưởng niệm bằng đá hoa cương và hàng dài những phần mộ liệt sỹ. Không gian lắng đọng của non cao như gợi nhắc lời thề sắt son năm xưa “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” của các chiến sỹ. Chẳng ai quên được bức điện mật: “Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí” của những chiến sỹ Đồn Pha Long năm ấy. Bức điện ngắn ngủi nhưng khiến người đọc phải thảng thốt giật mình bởi sự tàn khốc của chiến tranh và bởi trái tim dành trọn cho Tổ quốc của những người lính Vị Xuyên.
Cùng nhau đến khu phần mộ liệt sỹ của tỉnh Phú Thọ, các cựu chiến binh thuộc Lữ đoàn Pháo binh 168 như đang tìm về quá khứ oai hùng mà đầy đau thương của một thời khói lửa. Trung úy Trần Khắc Dương run run đôi tay thắp những nén nhang thơm lên các phần mộ, ông nghẹn giọng: “Kìa anh em, chúng tôi về rồi đây! Dậy mà hút cùng nhau một điếu thuốc đi chứ?”. Ở tuổi thất thập, ông vẫn nhanh nhẹn đi khắp các khu mộ, thắp hương, rót nước không để sót một ngôi nào. Người lính già rưng rưng, thì thầm với người đã khuất: “Phải đủ chứ, ai cũng phải có nhang có nước, thiếu là tội anh em lắm, thương lắm..."
Trung úy Trần Khắc Dương lặng lẽ đi dọc theo những hàng bia mộ, thắp nhang cho những đồng chí, đồng đội vào sinh ra tử một thời. |
Ông Dương chia sẻ: “Tôi và các đồng chí anh em cùng đi bảo vệ biên giới vào năm 1980. Đi thì có 11 người, nhưng về chỉ còn có 3-4 anh em. Tôi thấy mình may mắn quá, được sống tiếp trọn đời người trong khi đời người của các anh em chỉ vọn vẹn hai mươi mấy xuân xanh. Giờ tôi có gia đình, đầy đủ con cháu, lại được sống trong thời bình an bao nhiêu năm nay, cứ nghĩ đến các đồng chí anh em từng vào sinh ra tử ngày ấy lại phải nằm lại nơi đây mà tôi thấy nghẹn đắng. Bởi vậy, năm nào chúng tôi cũng về lại đây vài lần, để cùng khóc, cười với quá khứ. Con cháu nói tôi: “Sao phải tốn công thế?”. Tôi chỉ nhắc các con rằng, bởi nơi đây là nghĩa tình, là tri kỷ và tuổi trẻ của chúng tôi”.
Những người lính năm xưa, bom chẳng ngán, đạn chẳng màng, vậy mà mỗi khi về Vị Xuyên lại thổn thức, nghẹn ngào vì bốn chữ “nghĩa tình đồng đội”. Đối với họ, Vị Xuyên chôn sâu bao kỷ niệm, hồi ức còn vang vọng đến hôm nay. Đó là những tiếng nổ vang trời và những tiếng thét xé lòng khi đồng đội hy sinh... Giờ đây, âm vang hào hùng, đau thương kia đã hòa vào dòng chảy của Hà Giang để hóa thành cỏ cây, hóa thành hương rừng muôn thuở, quẩn quanh trong những làn khói nhang vấn vít bước chân người ở lại.
“Họ ngã xuống để các cháu có tương lai”
Những người lính một thời cầm súng chiến đấu đứng lặng trước hàng dài bia mộ của đồng đội. Họ khóc nức nở, nghẹn ngào trước làn khói nhang quyến luyến. Có người tuổi cao, mắt nhìn không rõ, cúi sát người, dò dẫm tên đồng đội trên từng tấm bia. Họ thì thầm gọi tên anh em, đồng chí đang ngủ trong lòng đất, khuỵu xuống khi nhớ đến những người còn say giấc mãi tận trong những khe đá, thung sâu thăm thẳm của núi rừng.
Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên se sắt lạnh trong buổi chiều cuối năm |
Mặt trận Vị Xuyên những năm 1979-1989 là một trong các trọng điểm then chốt của cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung. Từng phiến đá, khoảng rừng... đã oằn mình dưới làn mưa bom bão đạn. Trong ký ức của những cựu chiến binh Vị Xuyên, nơi đây đã bị xới tung bởi những trận oanh tạc của đạn pháo, thổi bay đi mùi hương của núi rừng, chỉ để lại một màn mưa xám đen sặc mùi thuốc súng.
Cựu chiến binh Đặng Hồng Liên, một người con của tỉnh Phú Thọ đã bảy lần tổ chức cho đoàn cựu chiến binh về thăm lại chiến trường Vị Xuyên năm xưa. Ấy vậy mà mỗi lần tới đây, ông và đồng đội đều lặng người, xót xa nhớ lại những năm tháng thanh xuân nơi vùng biên ải. Với nhiệm vụ lái xe, di chuyển ở nhiều khu vực trọng điểm để tiếp tế quân trang, quân nhu cho đồng đội, ông Liên vẫn không thể quên những giờ phút hiểm hóc khi chạy dọc trong cơn mưa đạn của kẻ thù. Ông còn nhớ như in buổi sáng ngày 22/12/1984, cái ngày mà tử thần lướt qua trước mắt ông chỉ trong gang tấc.
Trung úy Đặng Hồng Liên kể: “Sáng hôm ấy, Dũng – một đồng đội của tôi – đã lái xe giao nhu yếu phẩm cho anh em đồng chí tại xã Phương Độ (Vị Xuyên). Đường trơn, xe khó lên dốc nên đồng chí Nguyễn Bá Dương đã điều xe của tôi ra hỗ trợ anh Dũng.
Trung úy Đặng Hồng Liên đã bảy lần dẫn đoàn cựu chiến binh về thăm lại chiến trường năm xưa |
Nhưng vừa kéo được xe anh Dũng lên đỉnh dốc, pháo của địch đã bắn hai quả trúng vị trí xe đang đỗ, liền sau đó là 6 quả pháo dội liên hồi. Khi ấy, một mảnh pháo to hơn nắm tay người lớn đã văng sát vào người tôi, chỉ cách chưa đầy hai đốt tay. Nhưng may mắn làm sao, anh em tôi lại thoát chết trong gang tấc. Ranh giới giữa sống và chết quá mỏng manh chỉ như một sợi chỉ. Nhưng chính điều ấy đã thôi thúc chúng tôi sống sao cho đáng sống, sống tử tế, chiến đấu quyết liệt và mạnh mẽ hơn trong từng phút giây” – ông Liên xúc động nói.
Những vòng khói nhang cứ luẩn quẩn quanh tấm bia phủ màu rêu. Mỗi ngôi mộ là câu chuyện riêng về cuộc đời người lính đến từ những miền quê khác nhau, số phận khác nhau nhưng nằm lại đất này vì chung một nhiệm vụ giữ từng tấc đất biên thùy.
Tuổi trẻ của những người lính biên cương cũng ấp ôm những cơn sóng hoài bão dạt dào. Họ cũng muốn được sống tự do, tung bay như loài ưng điểu giữa núi rừng. Nhưng có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất nước? Có nỗi nhục nào bằng nỗi nhục phải sống trong xích xiềng nô lệ? Nước mất nhà tan. Cái riêng, cái chung đều trở thành vô nghĩa. Câu hỏi này quẫy đạp trong tâm tưởng những chàng trai, cô gái chỉ mới mười chín, đôi mươi. Họ đem tình riêng hòa vào nghĩa chung, mang căm hờn thổi bùng lên ngọn lửa lý tưởng, để sống và chiến đấu cho tương lai tự do của đất Việt.
Tiếng chuông chiều vọng gọi anh linh các anh hùng liệt sỹ trở về quây quần cùng đồng đội |
Thiếu úy Lê Nhung, một cựu chiến binh đã gửi nỗi lòng nhớ thương của bà và đồng đội vào tiếng kèn ngân nga. Bà thổi lên những giai điệu du dương của bản nhạc “Mẹ yêu con” (nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý), gửi tới những “tình thân” nằm dưới mộ. Tiếng kèn như nức nở trong hòa âm của các vị cựu chiến binh gửi tới các liệt sỹ. Giai điệu mang nỗi niềm người ở lại gửi tới các anh, chị, những người con rời xa quê hương, rời xa cha mẹ, nằm lại miền biên viễn này. Tuổi thanh xuân của họ còn mãi với non cao rừng thẳm. Các anh, các chị chẳng thể nghe lại lời ru ngọt ngào của những người mẹ mãi ngóng đợi các con về.
Thiếu úy Lê Nhung ngân nga tiếng kèn gọi đồng đội cũ |
Bà Nhung ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi rất mong nơi đây sẽ không chỉ đón các cựu chiến binh chúng tôi về thăm hàng năm mà sẽ còn đón các cháu học sinh, sinh viên, thế hệ thanh niên tương lai của đất nước về đây để thắp những nén hương thơm cho đồng đội tôi. Tôi mong các cháu hiểu, yêu và biết ơn sâu sắc đến thế hệ cha anh đi trước. Bởi họ ngã xuống để xây nên con đường cho các cháu có tương lai hòa bình như ngày hôm nay. Các cháu về đây để học lấy tinh thần kiên cường của các chiến sỹ, học lấy lý tưởng để tiếp tục dựng xây đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, phát triển cho muôn đời sau”.
Còn chúng tôi, những người trẻ được sống trong hòa bình, trở lại Vị Xuyên lần nào cũng mang nhiều kỷ niệm. Được đi, gặp gỡ những nhân chứng sống và đến những vùng đất, địa danh, những dòng sông, ngọn núi mà một thời thế hệ cha anh chiến đấu, chúng tôi càng thêm thấu hiểu và trân trọng sự hy sinh của những người lính để bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Cựu chiến binh Đặng Hồng Liên trò chuyện với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Vị Xuyên giờ đây không chỉ mang trong mình giá trị lịch sử, tâm linh, mà còn có cả những vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, phong tục, tập quán, văn hóa đa dạng, phong phú, độc đáo và tinh thần đoàn kết của các dân tộc anh em cùng sinh sống. Còn đó, ngân nga trong tiếng vọng của núi và thoảng trong hương rừng nồng nàn là dòng chảy quá khứ lặng lẽ mà oai hùng của những người lính Vị Xuyên đã một thời đốt cháy tuổi thanh xuân, để Tổ quốc hôm nay vững vàng và bừng sáng.