Nghĩa tình với Hà Giang

“Lò vôi thế kỷ” hay “cối xay thịt” là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất khi nói tới cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, mặt trận huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang). Sự ác liệt của trận chiến trở thành ký ức không thể quên đối với những người lính Vị Xuyên năm xưa. Được gặp và trò chuyện với họ đã trở thành kỷ niệm khó quên đối với các thành viên trong đoàn công tác của Báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Nghĩa tình với Hà Giang
Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng dẫn đầu đoàn công tác, dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên

Hành trình tri ân trên vùng cao nguyên đá

Vừa qua, trong khuôn khổ các hoạt động an sinh xã hội tại tỉnh Hà Giang, đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tới dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Tại đây, đoàn công tác đã thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn tới những liệt sỹ, các anh hùng đã kiên trung, anh hùng, bất khuất, đã hi sinh anh dũng vì nền độc lập, tự do cho nước nhà.

Là những phóng viên trẻ cùng tham gia đoàn công tác, chúng tôi đã hòa vào dòng người từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước bước vào nơi an nghỉ của các anh. Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên có gần 1.900 phần mộ anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong đó có 346 mộ chưa xác định được thông tin. Phải đặt chân tới đây, tận mắt chứng kiến những phần mộ trải dài tít tắp mới thấm thía được nỗi đau của chiến tranh để lại.

Giáo dục lòng yêu nước cho Thanh niên Việt Nam
Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng dẫn đầu đoàn công tác, dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên

Trước tượng đài và phần mộ các liệt sĩ, đồng chí Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng và các đại biểu đã kính cẩn dâng hương tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ - những người con ưu tú của quê hương đã không tiếc tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho độc lập dân tộc.

Tại nơi linh thiêng của địa đầu Tổ quốc, mỗi chúng tôi đều thầm cầu nguyện cho linh hồn các anh hùng liệt sĩ được siêu thoát, để chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của quê hương, đất nước, nơi mà năm xưa họ đã quyết tâm "sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử".

Cũng tại nơi này, chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện cùng những người cựu chiến binh của Lữ đoàn 168 từng chiến đấu trên mặt trận Vị Xuyên.

Nghĩa tình với Hà Giang
Đoàn công tác dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên

Hồi ức nghẹn ngào

Mặt trận Vị Xuyên là chiến trường ác liệt chống quân xâm lược, diễn ra trong suốt 10 năm (1979-1989), đặc biệt trong giai đoạn từ 1984 - 1989.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, giữ từng tấc đất thiêng liêng. Những chiến công ấy đã ghi vào lịch sử của dân tộc. Với tinh thần “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hầu hết đều ở độ tuổi thanh xuân. Trong ký ức của những người lính năm xưa, mặt trận Vị Xuyên luôn là nơi hứng chịu rất nhiều đạn, pháo, hỏa lực mạnh của đối phương, những điểm cao 1509, 1200, 772, 685 ngày trước đạn cày đi xối lại, đất trở thành một màu xám xịt. Điểm cao 685 đá hóa thành vôi.

Quê ở tỉnh Phú Thọ, ngay từ khi còn là một cậu thanh niên, ông Đặng Hồng Liên đã tham gia chiến đấu trên mảnh đất Vị Xuyên, Hà Giang trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến.

Ngược dòng thời gian, ông Liên nhớ lại: Vào khoảng 9h sáng ngày 22/12/1984, anh Dũng (một người chiến sĩ) lái chiếc xe Zin130 vào tiểu đoàn bộ, đóng ở xã Phương Độ, huyện Vị Xuyên, (tỉnh Hà Tuyên cũ) để giao nhu yếu phẩm cho bộ đội. Tuy nhiên, do đường quá trơn, xe không lên được nên đồng chí Nguyễn Bá Dương (trợ lý xe của tiểu đoàn) điều xe của đồng chí Liên ra hỗ trợ đồng chí Dũng.

Giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên Việt Nam
Ông Đặng Hồng Liên xúc động nhớ lại những kỷ niệm năm xưa nơi chiến trường Vị Xuyên

“Vừa kéo được xe đồng chí Dũng lên khỏi đỉnh dốc, hai quả đạn pháo địch bắn trúng vị trí chỗ hai xe của anh em chúng tôi đứng. Sau đó, cả hai bị địch bắn thêm 3 loạt bằng 6 quả. Rất may mắn, chúng tôi thoát án tử, còn chiếc xe kéo pháo mang biển số 12-03 thì đã bị trúng đạn”, ông Liên kể.

Trò chuyện với phóng viên, ông Liên tiếp tục hồi tưởng, là một chiến sĩ lái xe, hàng ngày phải di chuyển ở nhiều khu vực địa hình đồi núi hết sức phức tạp. Có những giấc ngủ, nằm chưa ấm lưng, ông đã vội vã dậy để về đơn vị cho kịp giờ hành quân. Dưới làn đạn pháo của kẻ thù, ông Liên nhiều lần chứng kiến sự ra đi của đồng đội. Ông nói: “Ranh giới giữa sự sống và cái chết là quá mong manh khiến mọi người sống tử tế, quyết liệt và mạnh mẽ hơn”.

Mấy chục năm qua đi, những vết thương chiến tranh vẫn nhói đau mỗi khi trái gió trở trời. Hơn nữa, có một nỗi đau khác vẫn âm thầm gặm nhấm và đau đáu trong lòng cựu chiến binh Đặng Hồng Liên là việc đồng đội của ông đã mãi mãi nằm xuống nơi biên cương của Tổ quốc.

Khi đó, họ là những chàng trai, cô gái ở tuổi mười chín, đôi mươi, mang trong mình đầy hoài bão và lý tưởng. Khó khăn, thiếu thốn nhưng những người lính này vẫn kiên cường bên nhau. Trong chiến tranh, khi tình yêu đôi lứa hoà chung cùng tình yêu đất nước, thì tình yêu không chỉ là sự yêu thương mà đó còn là cả sự hi sinh, với người đi và người ở lại. Để tới nay, khi mái đầu đã bạc, tình đồng chí, đồng đội vẫn là động lực để họ sống trong thời bình. Thế hệ của họ đã dũng cảm chiến đấu vì Tổ quốc, vì ngày hôm nay.

Nghĩa tình với Hà Giang
Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Nguyễn Mạnh Hưng cùng các thành viên đoàn công tác, dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên

Với ông Liên, mặt trận biên giới Vị Xuyên là một mặt trận nguy hiểm, tàn khốc và gian khổ nhất, nhưng nơi đây có một sự ấm áp đến lạ thường. Ông bảo, sau mỗi lần trở lại thăm chiến trường xưa, ông cùng đồng đội lại được bà con các dân tộc của huyện Vị Xuyên nói chung và bà con các dân tộc của xã Phong Quang nói riêng tiếp đón rất ân cần, chu đáo, niềm nở. Họ coi những người chiến sĩ thân yêu trở về như những người thân trong gia đình mình.

Bởi tình cảm chân thành đó, thay mặt cho Ban Liên lạc cựu chiến binh Lữ đoàn 168 Quân khu 2, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, ông Liên bày tỏ sự cảm ơn anh sâu sắc tới bà con đã giúp đỡ cho đoàn. Tất cả được ông lưu lại nơi trái tim bằng tất cả những kỷ niệm tốt đẹp nhất.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trăn trở, ông nghẹn ngào cho biết, chiến tranh kết thúc lâu rồi nhưng đến tận hôm nay, vẫn không ít liệt sĩ mà gia đình, người thân và đồng chí, đồng đội chưa tìm được mộ. Hài cốt của các anh vẫn còn chưa được tìm thấy để đưa về với đất mẹ, thông tin trên các phần bia mộ cũng chưa được chính xác và nhầm lẫn rất nhiều.

Ông chia sẻ thêm, với mỗi gia đình liệt sĩ chưa tìm thấy mộ, vẫn còn đó những niềm đau nhưng trong sâu thẳm mỗi người thân, đều tin tưởng rằng, phần mộ của người thân họ đang được chăm sóc chu đáo. Dù có nằm ở nơi nào thì những người con đã ngã xuống vì một Việt Nam độc lập sẽ không bao giờ đơn độc.

Giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên Việt Nam
Những phần bia mộ của chiến sĩ anh dũng hy sinh nơi chiến trường Vị Xuyên

Lần thứ bảy tổ chức cho đoàn cựu chiến binh cùng thân nhân gia đình Liệt sĩ, Nhân dân trong và ngoài xã lên thăm lại chiến trường xưa, thắp nén nhang cho các đồng đội, đồng chí đã anh dũng hy sinh, ông Liên nói vang vọng:

“Đồng đội ơi, tôi đã đến rồi đây”…

Hàng năm, cứ đến ngày giỗ trận 12/7 của mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang là cảm xúc của ông Liên lại dâng trào xúc động. Ông nhớ da diết những người bạn, người đồng đội, người đồng chí và những người thân đã kề vai sát cánh cùng chiến đấu để giành lại từng tấc đất của quê hương.

Ông thầm cầu mong cho hương linh các anh hùng được siêu thoát và phù hộ cho đất nước ngày càng được đổi mới, phát triển, cho Nhân dân được sống hòa bình và hạnh phúc.

Nghĩa tình với Hà Giang
Cô Bùi Thanh Huyền, Phó hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên

Niềm tin vào thế hệ trẻ

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về một thời hào hùng oanh liệt luôn còn mãi và để lại cho chúng ta hôm nay nền độc lập, tự do vô giá mà thế hệ thanh niên Việt Nam luôn phải khắc ghi.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng cựu chiến binh Nguyễn Đức Hải – Nguyên là Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, Lữ đoàn 297 (Quân khu 2) vẫn luôn đau đáu niềm tin thế hệ trẻ hôm nay sẽ bước tiếp truyền thống cha anh, luôn cố gắng học tập, rèn luyện để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của thế hệ đi trước.

Giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên Việt Nam
Ông Nguyễn Đức Hải đặt niềm tin thế hệ trẻ hôm nay sẽ bước tiếp truyền thống cha anh

Ông Nguyễn Đức Hải chia sẻ: “Tôi mong rằng, các cháu là thế hệ thanh niên Việt Nam được sống trong một nền hòa bình, độc lập, tự do. Các cháu cố gắng hoàn thiện mình hơn nữa, trở thành người con có ích cho xã hội”.

Cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc ta đã lùi vào quá khứ, nhưng chính những câu chuyện chiến đấu đầy gian khổ, hào hùng mà ông trực tiếp tham gia đã kéo lịch sử gần lại với các thế hệ học sinh hôm nay. Lòng yêu nước của một cựu chiến binh như ông Nguyễn Đức Hải không chỉ thể hiện ở chiến công đánh giặc năm xưa mà cả trong thời bình, qua những câu chuyện lịch sử để giữ mạch nguồn yêu nước và khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục lòng yêu nước của thanh niên Việt Nam.

Đối với ông Hải, điều quan trọng trong việc giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ thanh niên đó là, xây dựng xã hội văn hóa lành mạnh, tác động tích cực đến tình cảm, nhận thức của thanh niên.

Môi trường văn hoá lành mạnh có vai trò cực kỳ quan trọng đối với đời sống con người, làm cho văn hoá thực sự trở thành nhân tố tích cực thúc đẩy mỗi người hoàn thiện nhân cách, nhất là tầng lớp thanh niên. Từ đây, hình thành nên phẩm chất của những người công dân, kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

Cùng với đó, phải kết hợp nhà trường với gia đình và xã hội trong công tác giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên. Theo ông Hải, mỗi môi trường đều có vai trò, vị trí quan trọng riêng. Nếu buông lỏng hay xem nhẹ bất kỳ một yếu tố nào sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên.

Giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên Việt Nam
Tình cảm chân thành của cựu chiến binh gửi gắm tới người đồng đội năm xưa được thể hiện qua những bản nhạc du dương và sâu lắng

Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, cựu chiến binh Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, công tác tuyên truyền giáo dục phải không ngừng đổi mới nội dung để truyền tải lòng yêu nước thông qua kiến thức lịch sử cũng là một vấn đề cần lưu tâm. Bởi kiến thức lịch sử góp phần quan trọng vào giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên Việt Nam. Chính các bạn trẻ cần hiểu hơn ai hết về từng tấc đất, con sông, bờ cõi, từ biên giới cho đến hải đảo xa xôi trên đất mẹ Việt Nam… Từ đó, tăng cường hơn nữa những phương pháp tuyên truyền phong phú về truyền thống yêu nước của dân tộc.

"Đặc biệt, cần chú trọng lấy gương “người tốt, việc tốt” để giáo dục thanh niên nhằm giúp thế hệ trẻ tự giáo dục, thể hiện lòng yêu nước bằng việc làm hằng ngày trong gia đình, trong trường học, cơ quan, đơn vị, trên đường phố...", cựu chiến binh cho hay.

Chia sẻ thêm, ông Hải nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Phát huy vai trò của thanh niên trong tự học tập, tự tu dưỡng chủ nghĩa yêu nước cũng là một biện pháp quan trọng giúp thanh niên nhanh chóng tiến bộ, trưởng thành.

Giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên Việt Nam
Những người cựu chiến binh thắp nén nhang cho đồng đội đã ngã xuống

Những câu chuyện của các cựu chiến binh như tiếp thêm ngọn lửa cho chúng tôi, những người trẻ hôm nay, để chúng tôi thấm nhuần hơn đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Chúng tôi hiểu rằng, việc làm của tuổi trẻ Thủ đô hôm nay như một sự tri ân đối với thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng là một lời hứa với anh linh các liệt sỹ, rằng chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện hành trình tri ân với các hoạt động an sinh xã hội thiết thực và ý nghĩa, để giúp đỡ con em đồng bào nơi đây, như một sự sẻ chia và biết ơn sâu sắc với những người đã sống, chiến đấu và "hóa đá bất tử" trên vùng đất thiêng này.

Trong các ngày từ 8-10/12, đoàn công tác của Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tới thăm và làm việc tại tỉnh Hà Giang.

Tại đây, Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã ký kết chương trình hợp tác với Tỉnh đoàn Hà Giang; Trao tặng Tỉnh đoàn Hà Giang 50.000.000 đồng để thực hiện chương trình an sinh xã hội; Trao tặng công trình thắp sáng cột điện năng lượng mặt trời xã Thái An, huyện Quản Bạ trị giá 100.000.000 đồng; Trao cho trường Tiểu học Thái An (Khăn quàng đỏ; Bộ trống Đội) trị giá 10.000.000 đồng và 20 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo trị giá 100.000.000 đồng.

Cùng với đó, đoàn công tác của Báo cũng trao tặng 50 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Vị Xuyên trị giá 25.000.000 đồng.

Nghĩa tình với Hà Giang
Nghĩa tình với Hà Giang
Báo Tuổi trẻ Thủ đô và các đơn vị đồng hành đã trao tặng quà, học bổng cho các học sinh (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang)
Nghĩa tình với Hà Giang
Báo Tuổi trẻ Thủ đô và các đơn vị đồng hành đã trao tặng quà, học bổng cho các học sinh trường Tiểu học Thái An (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang)
Báo Tuổi trẻ Thủ đô trao tặng 120 suất quà tới các bạn nhỏ vùng cao Hà Giang Tăng cường phối hợp giữa Tỉnh đoàn Hà Giang và Báo Tuổi trẻ Thủ đô Ban biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô thăm và tặng quà Tết cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú Thiêng liêng Lễ Chào cờ tại cột cờ quốc gia Lũng Cú Đoàn công tác Báo Tuổi trẻ Thủ đô thăm, chúc tết Tỉnh đoàn Hà Giang Tri ân các anh hùng liệt sĩ trên mặt trận Vị Xuyên
Quỳnh Giang
Phiên bản di động