34 di sản thế giới mới nhất được UNESCO ghi danh

34 kỳ quan vừa được ghi tên vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO, từ một đài quan sát mặt trời từ thời tiền sử ở Peru cho đến tác phẩm nghệ thuật trên đá 7.000 năm tuổi ở Saudi Arabia.
Phát triển công nghiệp văn hóa để bảo tồn di sản Thăng Long Phát huy giá trị di sản Hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Công nhận "Chợ tình Khâu Vai" là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Sau một năm bị hoãn vì dịch Covid-19, phiên họp năm nay của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO được tổ chức trực tuyến và chủ trì từ Phúc Châu, Trung Quốc. Ủy ban Di sản thế giới đã xem xét và đánh giá các đề cử từ năm 2020 và 2021, vì vậy có nhiều Di sản thế giới được bổ sung hơn các năm trước đó.

Khu phức hợp khảo cổ thiên văn học Chankillo tại Peru. Nguồn: Municipalidad Provincial de Casma/IDARQ
Khu phức hợp khảo cổ thiên văn học Chankillo tại Peru. Nguồn: Municipalidad Provincial de Casma/IDARQ

Trong số 34 Di sản thế giới được ghi danh lần này, hơn 1 nửa nằm tại tại các quốc gia châu Âu. Đó là khu nghệ thuật Mathildenhohe tại Darmstadt (Đức), di sản đa quốc gia Great Spa Towns tại 7 nước châu Âu hay ngọn hải đăng Cordouan (Pháp), những bức bích họa từ thế kỷ 14 ở thành phố Padua (Italy)…

Nhiều thắng cảnh tự nhiên đã được đưa vào danh sách, trong đó có Vườn Quốc gia Kaeng Krachan (Thái Lan) - nơi những loài thực vật và chim quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đang sinh sống. Trong khi đó, hơn 20 điểm đến văn hóa trên khắp thế giới đã được ghi danh.

Đáng chú ý là Khu phức hợp khảo cổ thiên văn học Chankillo tại Peru, một địa điểm từ thời tiền sử từng được sử dụng để theo dõi mặt trời nhằm phân định ngày tháng trong năm. Một tuyến đường sắt xuyên Iran trải dài 1.394 Km qua hai dãy núi, được xây dựng vào những năm 1920 - 1930. Tuyến đường sắt đáng kinh ngạc này đi qua nhiều địa hình đèo dốc, 174 cây cầu lớn, 186 cầu nhỏ và 224 đường hầm, trong đó có 11 đường hầm xoắn.

Tuyến đường sắt xuyên Iran. Nguồn: Hossein Javadi
Tuyến đường sắt xuyên Iran. Nguồn: Hossein Javadi

Hai địa điểm của Ấn Độ cũng được ghi nhận, bao gồm ngôi đền Ramappa (còn gọi là Rudreshwara) ở bang Telangana nhờ nghệ thuật xây dựng độc đáo, cùng thành phố cổ Dholavira ở bang Gujarat với những khu khảo cổ còn nguyên giá trị sau hàng nghìn năm.

Một dấu ấn trong kỳ họp lần này là Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đã thông qua việc xóa bỏ thành phố cảng Liverpool của Anh khỏi danh mục Di sản thế giới. Ngoài ra, di tích khu mỏ Rosia Montana tại Romania là Di sản thế giới thứ 52 bị đưa vào danh sách Di sản thế giới đang bị đe dọa.

UNESCO bắt đầu ghi danh các Di sản thế giới vào năm 1978, với những địa điểm đầu tiên là Vườn Quốc gia Yellowstone ở Mỹ và Quần đảo Galapagos của Ecuador. Trong bối cảnh rất nhiều yếu tố tác động, thậm chí hủy hoại khiến nhiều di sản không thể khôi phục được, việc UNESCO duy trì danh mục và ghi danh nhằm nỗ lực bảo vệ các di sản trên toàn thế giới.

Nguồn: VOV
vov.vn
Phiên bản di động