Yên Bái thu ngân sách trên 3.600 tỷ đồng trong năm 2020

Năm 2020, tỉnh Yên Bái thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 3.615 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư phát triển đạt trên 16.173 tỷ đồng.
Tỉnh đoàn Yên Bái trao tặng bằng khen cho các em trong mô hình Hội đồng trẻ em Yên Bái: Tuyên dương giáo viên trẻ tiêu biểu năm 2020 Yên Bái: Ra quân tình nguyện mùa đông và xuân tình nguyện

Ngày 15/12, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - Trần Huy Tuấn có báo cáo trước Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.

Cụ thể, nhiều chỉ tiêu khó, quan trọng đã đạt và vượt so với kế hoạch, tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2019 như thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 ước đạt trên 3.615 tỷ đồng, vượt 9,6% dự toán HĐND tỉnh Yên Bái giao, vượt 43,4% dự toán Trung ương giao.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn trình bày báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - Trần Huy Tuấn trình bày báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Tổng vốn đầu tư phát triển đạt trên 16.173 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch, tăng 14,5% so với cùng kỳ 2019; Tỷ lệ giảm nghèo đạt 4,52%, vượt 13% kế hoạch; số lao động được tạo việc làm mới vượt 16% kế hoạch...

Về công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả nổi bật, được đánh giá cao trong khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ, kịp thời, đúng đối tượng các chính sách an sinh xã hội và tổ chức triển khai thành công Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng và hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh năm 2020.

Đối với công tác bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện kịp thời, không xảy ra các vụ việc khiếu nại phức tạp, đông người.

Trong năm 2021, tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng phù hợp với định hướng phát triển “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược, trọng tâm là cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển các thành phần kinh tế. Ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ.

Đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao; ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng và khai thác hiệu quả Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân gắn với thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của thiên tai, dịch bệnh. Củng cố quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt hoạt động đối ngoại. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đồng thời, cụ thể hóa 19 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thành 32 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, lĩnh vực kinh tế có 14 chỉ tiêu, lĩnh vực văn hóa xã hội có 12 chỉ tiêu, lĩnh vực môi trường có 6 chỉ tiêu.

Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra trong ngày 15 và 16/12/2020.

Theo báo cáo của HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII, dự ước đến nay, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 24/32 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2020; hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông của tỉnh tiếp tục được đầu tư đồng bộ, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi thay, khởi sắc; an sinh phúc lợi xã hội được bảo đảm; giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ; tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Đặc biệt tỉnh Yên Bái đã chủ động ban hành mới một số cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội để ứng phó với dịch bệnh Covid-19 như hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoàn thành sửa chữa, xây mới 929 hộ gia đình nghèo, gia đình có công với cách mạng đặc biệt khó khăn đã góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định chúng ta đã bước đầu thành công trong thực hiện “nhiệm vụ kép”, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị, trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng: Kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức; tiến độ thực hiện các dự án đầu tư còn chậm; phát triển sản xuất gắn với liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị còn hạn chế; công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường còn nhiều tồn tại.

Đức Mậu
Phiên bản di động