Yên Bái: Chủ động khắc phục hậu quả thiên tai do mưa đá và dông lốc trong những ngày vừa qua
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra 4 đợt thiên tai (mưa to kèm theo dông lốc, mưa đá) làm 1 người chết và 12 người bị thương, sập đổ 12 ngôi nhà, hư hỏng, ảnh hưởng 5.011 ngôi nhà, thiệt hại 1.070 ha lúa và hoa màu, trên 1.200 con gia súc, gia cầm và 34 công trình cơ sở hạ tầng bị tốc mái, hư hỏng... giá trị thiệt hại ước tính khoảng 40 tỷ đồng.
Mưa đá kèm dông lốc những ngày vừa qua khiến cho hàng nghìn ngôi nhà tại Yên Bái bị hư hỏng. |
Theo Bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 25 đến 27/4 ở khu vực miền núi phía Bắc và Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (có nơi trên 120mm/24h), nguy cơ xảy ra lốc sét, mưa đá trên diện rộng.
Để chủ động ứng phó với các hình thế thời tiết nguy hiểm, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ như theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh hiện tượng mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá có thể xảy ra trong những ngày tới.
Huy động lực lượng tại chỗ tập trung hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả do thiên tai gây ra (lưu ý đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19), tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người thiệt mạng, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo chỗ ở cho các hộ dân bị thiệt hại, không để người dân bị thiếu đói.
Trường hợp vượt quá khả năng của địa phương, tổng hợp nhu cầu gửi về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái xem xét, quyết định hỗ trợ.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tuyến thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, dông lốc sét, mưa đá.
Khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà khi có cảnh báo dông lốc, sét, mưa đá, gia cố, bảo vệ mái nhà sử dụng vật liệu dễ bị tốc, vỡ (proximang, ngói), thay thế bằng các vật liệu đảm bảo (mái tôn mạ kẽm), xem xét việc thu hoạch sớm hoặc che chắn bảo vệ rau màu, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai ứng cứu khi có yêu cầu. Bố trí lực lượng, canh gác tại các vị trí ngầm, tràn, đường qua suối để hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn hoặc không có đủ các thiết bị cứu sinh. Cấm người đi vớt củi, lội qua, đánh bắt cá... trên các sông suối khi đang có lũ. Đặc biệt trong các ngày mưa, lũ tuyên truyền cho người dân không được ngủ trên đồi, nương để để phòng sạt lở đất, đá gây thiệt hại về người.
Ngoài ra, các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (số điện thoại 0216.3852.708; fax 0216.3855.493) để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo kịp thời.