Xúc động trước những bài ca dâng Bác

Bằng ngôn ngữ nghệ thuật, các tiết mục trong chương trình “Bài ca dâng Bác” diễn ra tối 17/5 đã tái hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu dành cả đời vị sự nghiệp giải phóng dân tộc cùng tình cảm yêu mến, tôn kính của muôn triệu đồng bào và Nhân dân thế giới dành cho Người.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bài ca dâng Bác”

4 điểm cầu gắn với sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ

Tối 17/5, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, HĐND và UBND thành phố Hà Nội, Đài PTTH Hà Nội thực hiện chương trình nghệ thuật chính luận đặc biệt “Bài ca dâng Bác” nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023).

Đến dự chương trình có các đại biểu: Ông Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Tống Duy Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Xúc động trước những bài ca dâng Bác
Các đại biểu tham dự chương trình "Bài ca dâng Bác"

Ngoài ra, về phía thành phố Hà Nội, có các đại biểu: Ông Nguyễn Doãn Toản, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ; Ông Hà Minh Hải, Phó chủ tịch UBND TP cùng đại diện các sở, ngành, quận huyện...

"Bài ca dâng Bác” là chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt được ê kíp của Đài PTTH Hà Nội thực hiện nhằm tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Nhân dân, quê hương đất nước, đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam đồng thời thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của Nhân dân ta đối với Người.

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh 1, kênh 2, phát thanh FM96 và các nền tảng số của Đài PT-TH Hà Nội, đồng thời cũng được Đài PT-TH Cao Bằng và Đài PT-TH Nghệ An tiếp sóng.

Xúc động trước những bài ca dâng Bác
Ca sĩ Phạm Thu Hà

Chương trình được thực hiện tại 4 điểm cầu: Khu di tích Pắc Bó, tỉnh Cao Bằng, Làng Hoàng Trù (Khu di tích Kim Liên, tỉnh Nghệ An), Nhà sàn Bác Hồ (Khu di tích Phủ Chủ tịch) và Cung Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội). Đây đều là những địa danh lịch sử gắn liền với những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại mỗi điểm cầu, ê kíp đã thực hiện những phóng sự đầy chất tư liệu để kể những câu chuyện cảm động về Bác một cách chân thực. Cả cuộc đời của Người là một tấm gương lớn để chúng ta học tập, noi theo. Chính vì vậy, “Bài ca dâng Bác” như một cuộc hành trình bằng ngôn ngữ nghệ thuật, bắt đầu từ Làng Sen, đi suốt theo năm tháng “lênh đênh bốn biển” tìm đường cứu nước, đến những ngày “cháo bẹ rau măng” gian khổ nơi núi rừng Việt Bắc, và ngày trở về gắn bó với Thủ đô Hà Nội.

Xúc động trước những bài ca dâng Bác

Bức chân dung bằng âm nhạc về vị lãnh tụ vĩ đại

Trong đêm nghệ thuật “Bài ca dâng Bác”, âm nhạc, nghệ thuật cũng trở thành chiếc bút ký họa chân dung vị lãnh tụ, mang đến những hình ảnh gần gũi về làng Sen, nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã cất tiếng khóc chào đời trong ngôi nhà ba gian ở Kim Liên (Nghệ An). Ở đó, mỗi tháng 5 về, khi mùi hương thơm ngát từ bàu sen ùa về, mỗi người dân Việt Nam lại bồi hồi xúc động đứng trước nếp nhà nhỏ, tuy đơn sơ nhưng kết tinh vẻ đẹp bình dị, ấm áp tình người xóm mạc, từ đó cảm nhận hết tình yêu quê hương xứ sở, cả những câu dân ca như mạch nguồn nuôi dưỡng Người suốt những năm tháng thời thơ ấu. Và để rồi, đến khi nghe tiếng đàn Piano của nghệ sĩ Đăng Khánh vang lên khúc “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” (nhạc sĩ An Thuyên), khán giả lại rưng rưng cảm xúc.

Xúc động trước những bài ca dâng Bác

Bên cạnh đó, các phóng sự xen kẽ tiết mục nghệ thuật cũng đã tái hiện lại hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành tìm đường cứu nước. Đó là ngày 5/6/1911, trên con tàu La Touche Tréville từ Bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng đất nước. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định của một con người, mà lịch sử đã chứng minh là sáng suốt phi thường.

Xúc động trước những bài ca dâng Bác

Có thể thấy, âm nhạc trở thành sợi dây kết nối các câu chuyện, tạo nên mạch xuyên suốt chương trình. Khán giả được trở về với bối cảnh của những ca khúc ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là "Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó" – nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Ca khúc được chính NSND Quốc Hương thu âm lần đầu tiên năm 1959 tại Đài Tiếng nói Việt Nam và được phát sóng vào đúng dịp sinh nhật Bác, 19/5/1959.

Xúc động trước những bài ca dâng Bác
2 gương mặt dẫn chương trình quen thuộc của Đài PTTH Hà Nội: MC Duy Anh và Mai Hương

Đáng chú ý, bên cạnh những tác phẩm âm nhạc như Bài ca Hồ Chí Minh, Đôi dép Bác Hồ, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người…, một trong những điểm nhấn của chương trình là màn biểu diễn ca khúc “Bài ca Hồ Chí Minh”, tức “Ballad of Ho Chi Minh” của nghệ sĩ người Philippines Janice Phương (quán quân Vietnam Idol 2016) và ca sĩ Hồng Duyên thể hiện với chất giọng khỏe khoắn, đầy cuốn hút.

Xúc động trước những bài ca dâng Bác
Ca khúc “Ballad of Ho Chi Minh” do nghệ sĩ người Philippines Janice Phương (quán quân Vietnam Idol 2016) và ca sĩ Hồng Duyên thể hiện

Chương trình quy tụ những giọng ca như Phạm Thu Hà, Vũ Thắng Lợi, Đỗ Tố Hoa, Hồng Duyên, Minh Thúy, Thanh Quý, Trịnh Quỳnh Anh, các nghệ sỹ: Bùi Đăng Khánh (piano), Lê Duy Mạnh (saxophone), Trần Quang Duy (violin), Ly Hương (flute), Minh An (sáo trúc) cùng Dàn nhạc thính phòng Thăng Long…

Xúc động trước những bài ca dâng Bác
Xúc động trước những bài ca dâng Bác
Các đại biểu tặng hoa và chúc mừng các nghệ sĩ, ca sĩ biểu diễn trong chương trình
Bài: Thái Sơn; Ảnh: Văn Tuyến- Đức Minh
Phiên bản di động