Xúc động nghi lễ "bông hồng cài áo" trong chương trình "Ơn nghĩa sinh thành"
Hàng nghìn bông hồng sắc trắng và sắc đỏ được cài lên ngực áo thêm một lần nữa nhắc nhớ những người làm con dù còn trẻ hay đã già về ân đức sinh thành của mẹ cha.
Ban Tổ chức trân trọng thực hiện nghi lễ "bông hồng cài áo" với các vị khách mời |
Những vị khách mời bày tỏ niềm hạnh phúc khi được cùng mẹ, cùng cha đến xem chương trình.
Niềm vui ấy không gì sánh nổi bởi trong mùa Vu lan này chúng ta còn được sánh bước bên người thân, cùng được trải qua những thời khắc quý giá bên nhau.
Bắt nguồn từ các tác phẩm viết về mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng tác những năm 1960, bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật được ra đời.
Hoa hồng biểu trưng cho sự tri ân, hiếu thảo và lòng biết ơn của con đối với cha mẹ, dù cho họ không còn trên cõi đời này. Đồng thời, hoa hồng còn thể hiện cho một tình yêu chân thành, son sắc, sự cao quý và ngát hương.
Trong buổi lễ Vu Lan thiêng liêng, ai còn cha mẹ được cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm, đó là một lời nhắc nhở rằng mình vẫn còn cả cha và mẹ, còn cả một bầu trời yêu thương cao rộng để cảm nhận niềm hạnh phúc và tự nhủ luôn biết cố gắng để làm vui lòng cha mẹ.
Ai mất cha hoặc mẹ thì nhè nhẹ cài lên ngực mình đóa hồng nhạt, ai mất cả hai đấng sinh thành thì cài lên ngực mình hoa trắng buồn thương. Hoa hồng trắng còn muốn nhắc nhở con người rằng phải sống thật tốt, ý nghĩa để người ra đi cảm thấy tâm hồn được an nhiên, thanh thản và không còn vướng bận chuyện trần gian.
"Tôi không khóc khi cài hoa trắng
Vì trong hoa tôi thấy cha mẹ tôi cười".