Xếp lương nhà giáo cao nhất nhưng phải đi kèm với chất lượng
Nhà giáo chưa đủ sống sẽ không thể toàn tâm, toàn ý cho việc dạy học Bảo vệ nhà giáo để họ yên tâm với nghề |
Chiều 25/3, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà giáo.
Dự thảo Luật Nhà giáo sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có bố cục gồm 9 chương, 46 điều (giảm 4 điều so với dự thảo trình tại kỳ họp thứ 8), cơ bản bám sát đúng tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật.
Qua thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo đã được nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện nhiều nội dung.
Luật Nhà giáo nếu được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp, giải quyết được căn cơ việc cơ cấu, bố trí sắp xếp, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Quan tâm đến nội dung về chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) bày tỏ tán thành việc quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và nhiều chính sách về phụ cấp khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà giáo và phù hợp với tính đặc thù nghề ghiệp của nhà giáo.
Tuy nhiên để chính sách này được thực thi có hiệu quả, theo đại biểu Dương Khắc Mai, việc xếp lương cao nhất trong hệ thống thang bậc lương cần phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi đội ngũ nhà giáo có vai trò quyết định của trong việc nâng cao chất lượng giáo dục - yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
![]() |
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông). |
“Đi đôi với việc thực hiện chính sách đặc thù về tiền lương, trong quá trình thi hành luật, cần phải có các quy định để nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo, từng bước xây dựng đội ngũ thực sự giỏi về chuyên môn, đáp ứng toàn diện các quy định về đạo đức nhà giáo, tận tâm, trách nhiệm với nghề nghiệp.
Do đó, đề nghị dự thảo Luật giao cho Chính phủ có lộ trình để rà soát, sắp xếp, tuyển chọn, thu hút, nâng cao chất lượng của nhà giáo”, đại biểu Dương Khắc Mai nêu quan điểm.
Cũng quan tâm đến quy định liên quan đến chính sách cho nhà giáo, đặc biệt là nhà giáo công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho biết, khoản 3 Điều 21 của dự thảo luật quy định giáo viên đã công tác từ 3 năm trở lên tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo hoặc các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được giải quyết thuyên chuyển.
Điều kiện để được thuyên chuyển là phải có sự đồng ý của cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang công tác, sự đồng ý của cơ quan quản lý giáo dục và sự chấp nhận tiếp nhận từ cơ sở giáo dục nơi giáo viên muốn chuyển đến.
![]() |
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng). |
Theo đại biểu, về mặt lý thuyết, quy định này có vẻ hợp lý và đầy đủ, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với những giáo viên đã cống hiến tại các vùng khó khăn. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, điều kiện "nơi đến chấp nhận tiếp nhận" có thể sẽ tạo ra những rào cản lớn, làm giảm tính khả thi của quy định và gây khó khăn cho các nhà giáo.
Thực tế cho thấy, nhiều giáo viên gặp phải tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" khi xin thuyên chuyển. Cơ sở giáo dục nơi họ đang công tác thường không muốn cho đi vì tình trạng thiếu giáo viên, ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục ở nơi đến lại từ chối tiếp nhận vì đã đủ số lượng giáo viên hoặc có những lý do khác.
“Hậu quả của tình trạng này là giáo viên phải trải qua quá trình đầy khó khăn, tốn kém thời gian và công sức. Họ phải đối mặt với nhiều áp lực để có thể đạt được nguyện vọng thuyên chuyển. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của giáo viên, mà còn gây ra những hệ lụy tiêu cực đến chất lượng giáo dục tại các vùng khó khăn”, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nêu thực tế.
Để tăng cường tính khả thi và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà giáo, đại biểu đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 21 của dự thảo luật theo hướng quy định rõ ràng về thuyên chuyển là quyền của nhà giáo. Điều này phù hợp với nguyên tắc pháp lý cơ bản: Quyền của một chủ thể phải được đảm bảo bằng nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ thể khác.
Cụ thể, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở giáo dục nơi đến trong việc tiếp nhận nhà giáo thuyên chuyển. Trách nhiệm này có thể được cụ thể hóa bằng các tiêu chí và quy trình tiếp nhận rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát và xử lý các trường hợp từ chối tiếp nhận không có lý do chính đáng.
Cũng quan tâm tới chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là đối với nhà giáo khi làm việc tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bẳng) bày tỏ đồng tình với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 26 của dự thảo luật về chính sách bảo đảm nhà ở tập thể hoặc thuê nhà công vụ cho giáo viên.
Đại biểu cho biết, theo kết quả tổng hợp nhu cầu nhà ở công vụ trên địa bàn cả nước, cần bổ sung thêm 10.794 nhà ở công vụ với diện tích 24m2/căn khép kín cho 1 giáo viên.
Mặc dù những năm qua, đội ngũ nhà giáo đã được quan tâm về nhiều mặt như chế độ tiền lương, tiền phụ cấp thâm niên, phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, biên giới; tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đầu tư xây dựng trường, lớp học khang trang đảm bảo cho việc dạy và học tốt hơn… Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận giáo viên trên địa bàn, đặc biệt là giáo viên ở địa bàn vùng sâu, vùng xa còn gặp không ít khó khăn trong vấn đề nhà công vụ giáo viên.
Nêu dẫn chứng, đại biểu Bế Minh Đức nêu rõ, cả tỉnh Cao Bằng hiện mới có 1.523 nhà công vụ và còn thiếu 738 nhà tiêu chuẩn 24m2 cho 1 giáo viên và 185 nhà tập thể cho 4 giáo viên tiêu chuẩn 24m2. Do vậy, đại biểu cho rằng, cần ưu tiên xây dựng nhà công vụ, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên công tác ở địa bàn vùng khó.
“Một khi đáp ứng cơ bản nhu cầu nhà công vụ, tôi tin rằng nhiều giáo viên trên địa bàn tỉnh Cao Bằng nói riêng và cả nước nói chung sẽ yên tâm gắn bó với nghề, với trường lâu dài; có động lực để nâng cao trình độ, chuyên môn; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua của ngành, của địa phương, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của địa phương trong thời kỳ đổi mới”, đại biểu Bế Minh Đức nhấn mạnh.