Xây dựng thương hiệu quốc gia từ du lịch văn hóa

Đóng góp ý kiến tại tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp” sáng 9/7, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, ngành Du lịch Thủ đô phải nghiên cứu, quy hoạch, lập trình, thiết kế những tour lữ hành tham quan các di sản văn hóa là mục tiêu hướng đến của du lịch văn hóa, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia từ du lịch văn hóa.
Phát triển công nghiệp văn hóa, bảo tồn di sản và xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh Hà Nội: Bí thư các quận, huyện hiến kế để phát triển công nghiệp văn hóa Văn hóa công sở thích ứng với điều kiện bình thường mới

Từng bước khẳng định vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội

Du lịch văn hóa cùng 11 ngành khác, nằm trong danh mục phạm vi chỉ đạo tập trung phát triển xác định tại Quyết định số 1755 ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Phát triển du lịch thành ngành công nghiệp văn hóa sẽ biến các thành quả sáng tạo văn hóa Việt Nam thành hàng hóa thỏa mãn nhu cầu văn hóa đa dạng của khách du lịch. Đó là quá trình sản xuất, phổ biến, tiêu dùng các sản phẩm du lịch văn hóa và các dịch vụ du lịch văn hóa theo phương thức công nghiệp hóa.

ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội tham luận tại tọa đàm
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội tham luận tại tọa đàm

Ông Hiếu cho rằng, du lịch văn hóa là loại hình quan trọng, có sức hấp dẫn, góp phần phát triển bền vững; Là một trong những dòng sản phẩm thu hút du khách trong nước và quốc tế tham quan, tìm hiểu đất nước, con người, lịch sử và văn hóa Việt Nam, cũng như Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, ngành Du lịch Thủ đô phải nghiên cứu, quy hoạch, lập trình, thiết kế những tour lữ hành tham quan các di sản văn hóa là mục tiêu hướng đến của du lịch văn hóa; Góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia từ du lịch văn hóa.

Phát triển du lịch văn hóa thành một ngành công nghiệp văn hóa có ý nghĩa to lớn, không chỉ đóng góp doanh thu lớn cho nền kinh tế, mà còn thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa khác như quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh.

Với 5.922 di tích lịch sử văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, những điểm đến du lịch văn hóa trọng điểm của Thủ đô như: Khu di tích Phủ Chủ tịch; Khu phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ ở Đường Lâm, chùa Hương… đã từng bước được đầu tư bài bản, đưa vào khai thác trong các tour du lịch văn hóa di sản. Cùng với đó là những di sản kiến trúc, lối sống, lễ hội, văn hóa ẩm thực… độc đáo, hấp dẫn du khách bốn phương.

Hà Nội còn tập trung số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 59% tổng số làng, có 47 nghề trên 52 nghề của toàn quốc, trong đó tiêu biểu như: Gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ...

Trong những năm vừa qua, ngành Du lịch Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu tích cực, từng bước khẳng định vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn. Giai đoạn 2016-2019, TP tăng trưởng khách bình quân đạt 10,1%/năm, tốc độ tăng năm sau cao hơn năm trước, năm 2019 Hà Nội đón 28,945 triệu lượt khách bằng 1/3 lượng khách du lịch cả nước, trong đó đón 7,025 triệu lượt khách quốc tế.

Tổng thu từ khách du lịch có sự tăng trưởng cao, bình quân 17,6%/năm, năm 2019 đạt 103.812 tỷ đồng, đóng góp 12,54% vào GRDP của thành phố (đóng góp trực tiếp là 5,16% và đóng góp gián tiếp là 7,38%). Hà Nội trở thành trung tâm du lịch lớn tiếp nhận và phân phối khách du lịch đến các tỉnh phía Bắc và cả nước. Hà Nội luôn trong danh sách bình chọn của Tổ chức du lịch Thế giới cho các điểm đến hàng đầu của Châu Á và thế giới.

Xây dựng thương hiệu quốc gia từ du lịch văn hóa
Phát triển du lịch chất lượng cao gắn với thương hiệu du lịch Thủ đô (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, du lịch văn hóa phát triển thì các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy. Điển hình ở Hà Nội, các đơn vị nghệ thuật truyền thống như Nhà hát múa rối Thăng Long đã hoạt động kinh doanh rất tốt, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách hàng năm, là điểm đến không thể thiếu của bất cứ du khách nước ngoài nào khi tham quan Thủ đô Hà Nội. Nhà hát giới thiệu tới du khách chương trình múa rối nước đặc sắc, độc đáo, du khách thêm hiểu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Chương trình nghệ thuật du lịch thực cảnh được đầu tư quy mô, ấn tượng như Tinh hoa Bắc Bộ...

Ngoài ra, du lịch văn hóa Hà Nội đưa nhiều khách tới các điểm di tích nổi tiếng như Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (hơn 1,5 triệu lượt khách năm 2019), đền Ngọc Sơn (gần 1,2 triệu), Văn Miếu - Quốc Tử Giám (gần 400 nghìn), di tích nhà tù Hỏa Lò (hơn 450 nghìn), ngoài ra còn có Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam…

Phát triển du lịch chất lượng cao gắn với thương hiệu du lịch Thủ đô

Định hướng du lịch Thủ đô thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mục tiêu phát triển đạt tỷ lệ đóng góp tổng hợp ngành du lịch vào GRDP thành phố phấn đấu đạt trên 10%, trong hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến lĩnh vực du lịch văn hóa, ngành du lịch Hà Nội tập trung các giải pháp cụ thể. Đó là xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội dựa trên những giá trị văn hóa đặc sắc, trọng tâm là các giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, thông qua đó hình thành hệ thống các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao.

Bên cạnh đó, đơn vị tập trung triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn; Nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch gắn với di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề, làng cổ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Thủ đô bền vững, có giá trị kinh tế cao; Phát triển du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô có bản sắc, vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.

"Trước hết, chúng ta cần nhận thức đúng vai trò của nó trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay. Đặc biệt, thành phố phải xây dựng lộ trình, kế hoạch, ban hành những cơ chế, chính sách cụ thể, nguồn lực tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển ngành công nghiệp du lịch văn hóa ở Việt Nam và Hà Nội; Tập trung quy hoạch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hình thành Hà Nội là trung tâm sáng tạo, thành phố sáng tạo phát triển công nghiệp du lịch văn hóa tiêu biểu", ông Hiếu nhấn mạnh.

Góp ý cụ thể với các dự thảo, lãnh đạo Sở kiến nghị, cần hoàn chỉnh về kết cấu đề cương chi tiết, đảm bảo mạch lạc, khoa học, tránh trùng hoặc lẫn nội dung giữa các mục. Kết cấu các đánh giá cho từng ngành cần thống nhất và đảm bảo hàm lượng cân đối, không để ngành ít ngành nhiều do thiếu thông tin; Cần tiếp tục đầu tư các thông tin đánh giá thực trạng, lượng hóa được về tỷ trọng đóng góp trong GRDP hiện nay, là cơ sở thuyết phục cho đề xuất về mục tiêu và lộ trình, giải pháp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Sở đề nghị nghiên cứu xác định phạm vi, trật tự danh mục 12 ngành trong công nghiệp văn hóa thống nhất với chiến lược quốc gia đã xác định, đảm bảo tính chỉ đạo điều hành, đánh giá, thống kê, tổ chức thực hiện.

Với dự thảo nghị quyết đã bám sát 7 nhiệm vụ giải pháp theo chiến lược chung của Chính phủ, có bổ sung thêm một giải pháp đặc thù của Hà Nội, tuy nhiên cần rà soát bổ sung đảm bảo cụ thể hóa đầy đủ hệ thống giải pháp của Trung ương xuống thành phố (nhiều giải pháp có giá trị của Trung ương song chưa được đưa vào Nghị quyết của thành phố). Đặc biệt, tập trung các nội dung về cơ chế, chính sách về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, về huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hóa, về xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; Đồng thời phải đảm bảo cân đối nội hàm, dung lượng giữa các nhiệm vụ. Ví dụ như, nhiệm vụ về phát triển thị trường công nghiệp văn hóa có ý nghĩa quan trọng với các ngành kinh tế, tuy nhiên nội dung đề cập còn sơ sài nên nghiên cứu có nội dung về phát triển sản phẩm công nghiệp văn hóa và cố gắng xác định được sản phẩm, thị trường trọng điểm cho từng ngành.

"Chúng ta cần cố gắng cụ thể hóa được các giải pháp phù hợp cho Hà Nội để nghị quyết không chỉ dừng ở chủ trương mà phải cụ thể thành sản phẩm, đánh giá, lượng hóa được trên địa bàn, theo thời gian", ông Hiếu kiến nghị.

Ánh Dương/Theo TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động