Xây dựng nền nông nghiệp hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu

Năm 2019 có nhiều biến động đối với ngành Nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành đạt tỷ lệ cao trên tất cả các lĩnh vực phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng, phát triển kinh tế chung của cả nước, bảo đảm an sinh xã hội.    
Phấn đấu để Việt Nam sớm trở thành một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế
xay dung nen nong nghiep hoi nhap quoc te thich ung voi bien doi khi hau
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Nhân dịp Xuân Canh Tý, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có buổi trò chuyện cùng phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về những dấu mốc đặc biệt quan trọng này.

- Năm 2019 có nhiều biến động nhưng tốc độ tăng trưởng của toàn ngành đạt tỷ lệ cao, cán cân thương mại xuất nhập khẩu được giữ vững. Ông đánh giá như thế nào về mức độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2019?

- Ngay khi xây dựng kế hoạch phát triển ngành Nông nghiệp năm 2019, chúng tôi đã dự báo đây là năm có nhiều thuận lợi, cơ hội song cực kỳ khó khăn, thách thức đối với ngành Nông nghiệp. Thực tiễn đến nay đã minh chứng những dự báo đó.

Cụ thể, sản xuất nông, lâm, thủy sản phải đối mặt với nhiều vấn đề về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, ngành còn chịu tác động lớn bởi dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và bùng phát tên cả nước. Cùng với đó, diễn biến thời tiết gây hạn hán, lũ lụt, cháy rừng ở một số nơi cũng tác động không nhỏ. Ngoài ra, thị trường nông sản không ổn định, có xu hướng giảm giá mạnh và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, nhất là đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu...

Trong bối cảnh đó, ngành Nông nghiệp luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân. Nhờ đó, toàn ngành vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao. Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP toàn ngành 9 tháng năm 2019 đạt 2,02% (trong đó thủy sản tăng 6,12%, lâm nghiệp tăng 3,98%) và dự kiến cả năm đạt mức tăng trưởng khá.

- Mặc dù ngành Nông nghiệp Việt Nam trong năm nay có nhiều thành quả nhưng vẫn còn một số khó khăn như tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả các mặt hàng nông sản thấp... ông đánh giá như thế nào?

- Trong giai đoạn hiện nay, nông nghiệp nước ta vẫn đối mặt với nhiều khó khăn cố hữu và đang đứng trước những thách thức mới. Đó là chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn sản phẩm thấp… nên năng lực cạnh tranh của ngành Nông nghiệp hạn chế. Thị trường tiêu thụ thiếu ổn định. Biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp. Ô nhiễm môi trường tại nhiều địa bàn rất gay gắt và phức tạp hơn, hàm chứa những thành tố phát triển chưa bền vững.

Như vậy, những khó khăn, thách thức năm 2019 và giai đoạn hiện nay có cả yếu tố khách quan, chủ quan và gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của ngành. Đây cũng là các tác nhân chính của những tồn tại, hạn chế lớn thời gian qua.

Hiện nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tháo gỡ, vừa bằng thể chế chính sách, vừa bằng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ; đặc biệt là thực hiện cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh để đưa thêm nhiều thành phần kinh tế, doanh nghiệp vào phát triển khu vực này. Kết quả của quá trình này sẽ đưa sự nghiệp nông nghiệp nước ta tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn trong giai đoạn tới.

- Năm 2019 kỷ niệm 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của chương trình này trong việc nâng cao đời sống nhân dân?

- Nhìn chung, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã thúc đẩy nông thôn “thay da đổi thịt” hằng ngày, phát triển văn minh và hiện đại hơn. Cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn chuyển đổi tích cực; công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh; kết cấu hạ tầng được nâng cấp, điều kiện sinh sống của người dân được cải thiện rõ rệt.

Trong 10 năm qua, kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ. Nông nghiệp với quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, đang được cơ cấu lại, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị.

Lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ nông thôn đã và đang trở thành giải pháp quan trọng tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động (tỷ lệ lao động nông nghiệp/tổng lao động xã hội giảm từ 49,5% năm 2010 xuống còn khoảng 36,3% năm 2019). Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn năm 2019 đạt khoảng 37,88 triệu đồng, tăng gần 3 lần so với năm 2010. Khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa nông thôn và thành thị giảm từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm còn 6,5%. Có 6.139 xã (chiếm 69%) đạt tiêu chí về thu nhập (tăng 60,9% so với năm 2010).

- Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những định hướng gì nhằm phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam, thưa Bộ trưởng?

- Trong giai đoạn tới, trước bối cảnh và yêu cầu mới, định hướng tổng thể phát triển ngành là tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng Nông thôn mới. Đồng thời, Bộ tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với ba nhóm sản phẩm chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm chủ lực địa phương theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”).

Bên cạnh đó, Bộ sẽ khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu.

xay dung nen nong nghiep hoi nhap quoc te thich ung voi bien doi khi hau
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tham quan gian hàng triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng Nông thôn mới

Ngoài ra, Bộ sẽ tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cũng như xây dựng Nông thôn mới, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường.

Năm 2020 có ý nghĩa quan trọng, bứt phá, về đích hoàn thành kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn ngành xác định “Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng Nông thôn mới phồn vinh và văn minh”. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP ngành từ 2,8 - 3%; kim ngạch xuất khẩu trên 42 tỷ USD; có 58% số xã và ít nhất 125 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng 42%.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: TTTĐ
Phiên bản di động