Vụ cây bưởi "mọc" ở Trần Khát Chân: Liệu có "lỗ hổng" trong quản lý cây xanh?
Đâu cũng thấy cây xanh “đâm chồi, nảy lộc”Vụ cây bưởi "mọc" ở Trần Khát Chân: Chính quyền không xử phạt là không hết trách nhiệm Cây bưởi "mọc" trên vỉa hè là của ai? |
Theo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị, “cây xanh đô thị” là cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong đô thị.
Hiện nay, Hà Nội đang có hơn 100.000 cây xanh được quản lý bởi Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội |
Những năm vừa qua, đã có rất nhiều vụ cây xanh đổ gây thương vong cho người đi đường. Điển hình gần đây nhất, ngày 24/9/2020, cây dầu có đường kính gốc gần 1 m bất ngờ bật gốc, ngã xuống ở đường Nguyễn Tri Phương (Quận 10, TP Hồ Chí Minh). Cây đổ, đè trúng một người đi xe máy trên đường. Đến ngày 25/9, nạn nhân đã tử vong tại bệnh viện. Do vậy, việc quản lý, chăm sóc cây xanh sao cho tốt, cho khỏe mạnh và an toàn cho người dân là điều rất cần được quan tâm.
Tại Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội được giao nhiệm vụ thực hiện công tác chăm sóc cây xanh sử dụng công cộng trên các tuyến phố chính trên địa bàn 12 quận và một số trục giao thông quan trọng của thành phố.
Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội |
Nhìn lại vụ cây bưởi "mọc" trên phố Trần Khát Chân (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), sau khi được người dân phản ánh, chính quyền và các lực lượng liên quan mới vào cuộc xử lý. Theo ông Nguyễn Thành Nam (Phó Phòng Kế hoạch, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội), hiện trên tuyến phố Trần Khát Chân được trồng chủ yếu là cây sữa, lát, phượng, ban,... và cây bưởi không nằm trong danh mục cây được phép trồng, phía công ty cũng không thực hiện trồng cây này.
Để quản lý số lượng cây, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cũng thường xuyên có kế hoạch tuần tra, kiểm tra các cây xanh trên địa bàn. Ngoài ra, phía công ty cũng phối hợp với chính quyền địa phương để quản lý tốt lượng cây xanh.
Tuần tra, kiểm soát cây xanh có thực chất?
Ông Thành Nam cho biết, việc kiểm tra cây xanh được công ty tiến hành định kỳ hàng tháng theo từng tuyến phố, thời điểm khác nhau. Vậy tại sao một cái cây được trồng từ tháng 6, không giống với những cây khác trên tuyến phố mà công ty không hề hay biết?
Bưởi thuộc loại cây ăn quả là nhóm cây hạn chế trồng tạo cảnh quan trong khu vực đô thị |
Hiện nay, với số lượng lớn cây xanh, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đang sơn mã số lên thân cây để dễ kiểm soát. Chỉ cần đi lướt qua, chúng ta cũng có thể dễ dàng thấy nét sơn vàng trên thân cây. Vậy một cây bưởi nằm giữa hai cây khác được đánh mã số không lẽ nhân viên kiểm tra lại không nắm được?
Trao đổi với báo Tuổi trẻ Thủ đô, đại diện công ty cho biết: "Công tác đánh mã số cây có thể thay đổi liên tục, ví dụ cây hôm nay đánh mã số này nhưng có thể mai đánh mã số khác. Nếu có thay đổi thì trong hồ sơ bên mình vẫn ghi nhận việc đó. Bên mình vẫn có anh em tuần tra kiểm soát bình thường. Và khi phát hiện ra có gì đó bất thường sẽ có báo cáo gửi các cơ quan chức năng để giải quyết."
Hai cây xung quanh cây bưởi nói riêng và các cây trên đường Trần Khát Chân nói chung đều được đánh số bằng sơn vàng |
Khi được hỏi về các văn bản kế hoạch kiểm tra và kết quả kiểm tra cây xanh, đặc biệt là khu vực đường Trần Khát Chân thì ông Nam nói "sẽ kiểm tra lại hồ sơ chứ giờ chưa cung cấp được ngay".
Sau đó, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô nhiều ngày liên hệ đề nghị cung cấp các văn bản thì ông Nam lại khất lần với đủ lý do "trên trời, dưới biển" để từ chối, kéo dài thời gian cung cấp thông tin cho báo chí.
Điều 38, Luật Báo chí năm 2016 có nêu rõ: "Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp." Vậy Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội gây khó khăn cho báo chí cung cấp thông tin tới người dân là đang vi phạm Luật Báo chí, khiến người dân không tiếp cận được thông tin chính xác nhất.
Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ: Mục 2. THÔNG TIN TRÊN BÁO CHÍ Điều 38. Cung cấp thông tin cho báo chí 1. Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau đây: a) Thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; b) Thông tin về vụ án đang được Điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan Điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động Điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; c) Thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận thanh tra; vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố; d) Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố. 5. Cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường. |