Vô xứ Huế - chuyến hành hương về đất Phật
Khai phá “mỏ vàng” du lịch mua sắm, miễn thuế tại Việt Nam |
Cái nôi của Phật giáo
Người ta nói rằng, Huế là sự đền bồi của tự nhiên dành cho thiệt thòi của dân miền Trung - những người đời đời vật lộn với thiên tai khắc nghiệt mà vươn lên, phát triển.
Ở Huế có nhiều thứ gây thương nhớ, ví dụ như đền đài lầu các vàng son xưa cũ của vương triều nhà Nguyễn, hay cái miệng cười của cô gái Kim Long. Người khác đem lòng tha thiết cùng trăng Vỹ Dạ, da diết cùng mưa Huế.
Hệ thống chùa chiền ở Huế và nét nổi bật trong văn hóa Phật giáo giúp Huế có nhiều thuận lợi trong việc phát triển du lịch tâm linh |
Nhiều người biết rằng, Huế còn được gọi là đất "thần kinh", ghép từ hai yếu tố "kinh đô" và "thần bí". Như vậy đủ thấy rằng, niềm tin tôn giáo thấm vào đời sống, văn hoá, kiến trúc tại Huế rất sâu, tựa như dòng chảy bình lặng miệt mài của sông Hương rót vào lòng người Huế.
Tại Huế lưu giữ nhiều dấu tích của đạo Mẫu, không ít nhà thờ Thiên Chúa giáo và Đại đạo Tam kỳ Phổ độ... Tức là, người Huế mở đức tin với hầu hết các tôn giáo. Tuy nhiên, về mặt tổng thể, đất Huế là cái nôi của phật giáo - nơi đây từng là kinh đô của đạo Phật trong nhiều thế kỷ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông- Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế khẳng định: “Huế là đất Phật, chùa Huế là một loại hình di sản khó nơi nào ở Việt Nam sánh bằng…"
Chùa Thiên Mụ - ngôi chùa được coi là cổ nhất ở Huế, gắn liền với huyền thoại chọn đất đóng đô của chúa Nguyễn Hoàng, người mở ra thời đại 9 chúa 13 vua nhà Nguyễn |
Nhìn rất sâu vào lịch sử, Thạc sỹ Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hoá Huế, cho biết, Phật giáo truyền vào Thuận Hóa (địa danh hành chính cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và phía bắc Quảng Nam) từ thuở vùng đất này còn nằm trong lòng vương quốc Champa.
Tiếp sau đó, Phật giáo ngày càng phát triển hưng thịnh khi các chúa Nguyễn chọn Huế xây dựng thủ phủ của xứ Đàng Trong, rồi các thiền sư Việt Nam kế tục để cho các dòng thiền chảy dài đến ngày nay. Nhờ tinh thần Phật giáo sâu sắc suốt nhiều thế kỷ, Huế trở thành vùng đất số lượng chùa nhiều và mật độ chùa dày nhất của Việt Nam. Không kể các niệm Phật đường, các chùa khuôn hội, hiện nay ở Huế còn lưu giữ, bảo tồn trên 100 ngôi chùa cổ, trong đó có hàng chục tổ đình, các nghi lễ Phật giáo và hoạt động phật sự tôn nghiêm. Các tín đồ Phật giáo chiếm 60% dân số toàn tỉnh, trong đó, có 1.035 tu sĩ, 563 tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường…
"Huế là đất Phật, chùa Huế là một loại hình di sản khó nơi nào ở Việt Nam sánh bằng…" - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế khẳng định |
Trong những ngôi chùa nổi danh tại Huế không thể không kể tới Chùa Thiên Mụ - ngôi chùa được coi là cổ nhất ở Huế, gắn liền với huyền thoại chọn đất đóng đô của chúa Nguyễn Hoàng, người mở ra thời đại 9 chúa 13 vua nhà Nguyễn.
Chùa Thiên Mụ được vua Thiệu Trị xếp vào “Thần kinh nhị thập cảnh” (20 cảnh đẹp của đất thần kinh), ngày nay được xem là biểu tượng tâm linh và du lịch của người dân Cố đô Huế.
Bên cạnh đó, du khách đến với phố cổ Gia Hội nên ghé thăm chùa Diệu Đế - một trong những ngôi Quốc tự ở Huế. Nếu thích sự trải nghiệm độc đáo, chùa Từ Hiếu là một lựa chọn khó thay thế. Chùa Từ Hiếu được xây dựng vào năm 1843, gắn với câu chuyện cảm động về lòng hiếu đạo của Thiền sư Nhất Định với mẹ già...
Đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh
Như đã nói ở trên, Phật giáo Huế đã khẳng định những bước tiến vững chắc và xác lập vị thế quan trọng trong sự phát triển của Huế, hình thành một di sản văn hóa đa dạng và phong phú trong di sản văn hóa Huế. Đó là hệ thống chùa tháp, pháp khí, tượng, ván khắc đồ sộ; tính đa dạng trong hệ cảnh quan, kiến trúc, trang trí, nội thất của những ngôi chùa Huế.
Bên cạnh các thực thể kiến trúc chùa chiền, những giá trị trong nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật diễn xướng mang hơi thở của phật giáo xứ Đàng Trong nói chung và phật giáo xứ Huế nói riêng, sự đa diện trong sinh hoạt văn hóa thông qua các lễ hội, sinh hoạt của tăng chúng – phật tử, văn hóa ẩm thực chay đặc sắc và độc đáo… phản ánh những ảnh hưởng của giáo lý nhà Phật, được luân chuyển một cách lặng lẽ trong đời sống thường nhật, trong mạch nguồn văn hóa Huế.
Hoà thượng Thích Huệ Phước, Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự, Phó trưởng Ban Thường trực Ban hành pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam |
Hoà thượng Thích Huệ Phước, Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự, Phó trưởng Ban Thường trực Ban hành pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có lời rằng: Ngày nay, sự tồn tại và phát triển hài hòa của thành phố Huế cổ kính bên cạnh thành phố Huế công nghiệp hóa, hiện đại hóa có sự góp mặt của Phật giáo Huế.
Hoà thượng cho biết thêm rằng, tại Huế, các lễ hội truyền thống như Phật đản, Vu lan, Quán thế âm và nhiều hoạt động mang tính xã hội như cầu quốc thái dân an, cầu siêu các anh hùng liệt sỹ, diễu hành xe hoa, phóng đăng, triển lãm, ẩm thực chay, thuyết trình... được tổ chức trang trọng hằng năm đã thu hút đông đảo tín đồ, nhân sỹ, trí thức, sinh viên, Nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Đoàn công tác của báo Tuổi trẻ Thủ đô có dịp thăm Đại Nội Huế và trải nghiệm văn hoá Huế |
"Chính những hoạt động Phật sự này đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống sinh hoạt thường ngày, đồng thời truyền dạy cho thế hệ trẻ ngày càng được biết đến nền văn hóa dân tộc. Các lễ hội Phật giáo cũng góp một vai trò quan trọng trong những dịp Festival Huế, nhằm tôn vinh văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, đã thu hút đông đảo du khách đến với Huế, đem lại những thành công trong sự phát triển kinh tế và văn hóa đất nước", Hoà thượng Thích Huệ Phước thuyết giảng.
Về vấn đề phát triển du lịch tâm linh, Sở Du lịch Huế cho biết, hiện nay, cơ quan quản lý du lịch và các doanh nghiệp đã nghiên cứu, xây dựng, hình thành một số sản phẩm liên quan tâm linh, lồng ghép với một số tour truyền thống trước đây đã có để làm mới, nâng cấp, tổ chức một số tour chuyên về du lịch tâm linh Trong đó, việc thăm chùa chiền, tìm hiểu về đạo Phật và trải nghiệm một số hoạt động trong các chùa (tu tập, thiền,..), tham gia các hoạt động trong Tuần lễ Phật đản hàng năm sẽ gia tăng sản phẩm du lịch giúp cho du khách khi đến với Huế không chỉ trải nghiệm di sản văn hóa, trải nghiệm với cộng đồng, mà còn tìm hiểu trải nghiệm thêm về du lịch tâm linh. |