Khai phá “mỏ vàng” du lịch mua sắm, miễn thuế ở Việt Nam

“mỏ vàng”

du lịch mua sắm

Thị trường du lịch mua sắm mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho nền kinh tế của mỗi quốc gia đang phát triển như: Tăng cường doanh thu du lịch, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương, từ nhân viên bán hàng, hướng dẫn viên, đến các nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ du lịch; thúc đẩy phát triển kinh tế; quảng bá hình ảnh và văn hóa của quốc gia đến với du khách.

Một trong số quốc gia đi đầu Châu Á về du lịch mua sắm là Hàn Quốc. Chính quyền thành phố Seoul và Tổ chức Du lịch Seoul (STO) đã thực hiện khảo sát du lịch quốc tế Seoul năm 2023 nhắm vào du khách từ 5 quốc gia: Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ và Anh, những người đã đến Seoul hơn hai lần. Kết quả khảo sát cho thấy, 88,2% khách du lịch quốc tế đến Seoul để giải trí và tham quan; 79,9% người lựa chọn đến thành phố này để mua sắm.

Nhìn vào mức chi tiêu theo đầu người trong chuyến đi, mỗi khách du lịch bỏ ra trung bình 2.000.000 won (tương đương 38,6 triệu đồng) cho vé máy bay và chỗ ở, chiếm tỷ trọng lớn nhất. Chi phí mua sắm trung bình là 620.000 won (11,2 triệu đồng) và chi phí ăn uống khoảng 500.000 won (9,7 triệu đồng).

Trong khi đó, các cửa hàng miễn thuế tạo động lực mua sắm cho du khách vì họ mua được những món hàng xa xỉ, hàng hiệu giảm giá (outlet mall), đồ địa phương với giá tốt và không bị đánh thuế. Singapore, Thái Lan và Hàn Quốc có các cửa hàng miễn thuế gặt hái thành công nhờ tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh.

Khai phá “mỏ vàng” du lịch mua sắm, miễn thuế ở Việt Nam

Như ở Hàn Quốc nổi tiếng với các sản phẩm làm đẹp và thời trang, được đánh giá cao về chất lượng và thương hiệu. Ở Seoul có con phố Myeongdong hay trung tâm thương mại Coex Mall nổi tiếng với khách du lịch vì chuyên bán các sản phẩm làm đẹp từ xa xỉ đến bình dân, miễn thuế. Hầu hết tour du lịch cơ bản đến Hàn Quốc đều có hoạt động mua sắm, tham quan hai địa điểm này trong lịch trình.

Hay như tại Singapore, mua sắm miễn thuế được tập trung phát triển nhằm tăng trải nghiệm cho khách du lịch, đồng thời đảo quốc cũng tự định vị là "điểm mua sắm, bán lẻ toàn cầu".

Ở Singapore có các cửa hàng miễn thuế trong phố, tại các nhà ga ở sân bay Changi. Đại diện sân bay cho biết phần lớn doanh thu của họ không đến từ hoạt động đón hành khách mà từ các hoạt động thương mại. Sân bay có hơn 550 cửa hàng ăn uống, bán lẻ, cửa hàng miễn thuế tại 4 nhà ga và khu phức hợp Jewel.

Từ thành công của những thiên đường mua sắm hút khách tại Châu Á, nhiều chuyên gia cho rằng, ở các thành phố lớn của Việt Nam muốn hút khách chi tiêu mạnh tay cần đa dạng thương hiệu quốc tế trong các trung tâm thương mại lớn.

Theo đó, Việt Nam có thể tham khảo mô hình phát triển của trung tâm thương mại Coex Mall ở Hàn Quốc hay The Landmark ở Hong Kong. Những điểm mua sắm mang tính biểu tượng này không chỉ quy tụ nhiều thương hiệu quốc tế mà còn mang đến những trải nghiệm giải trí và tiện nghi với khách trong và ngoài nước.

Thực tế, sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dư chấn đại dịch COVID-19, nền kinh tế nước ta dần phục hồi, lượng khách quốc tế ngày càng tăng cao, thì cơ hội để phát triển du lịch mua sắm là vô cùng lớn, như người ta thường nói "Thiên thời - địa lợi - Nhân hòa".

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố, trong 5 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đạt gần 7,6 triệu lượt người tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Theo thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong 5 tháng ước đạt 296,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 24,2 nghìn tỷ đồng, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm ngoái. So với thời điểm này của năm 2023, một số địa phương có sự tăng trưởng tốt ở doanh thu từ các dịch vụ lữ hành như: Đà Nẵng tăng 52%; TP Hồ Chí Minh tăng 46%; Hà Nội tăng 44,6%; Quảng Ninh tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là quốc gia có lượng khách lớn nhất của nước ta với hơn 1,9 triệu lượt, chiếm 25,7% tổng lượt khách. Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2 với 1,6 triệu lượt, chiếm 21,2% tổng lượt khách. Tiếp đến, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ và Nhật Bản lần lượt là các thị trường có lượng khách du lịch hàng đầu đến nước ta.

Xét về động lực tăng trưởng, thị trường Châu Á được đánh giá có mức tăng trưởng rất tốt với 73%. Động lực chính của thị trường này là từ khu vực Đông Bắc Á khi Trung Quốc tăng trưởng 302,3% lượt khách, Hàn Quốc tăng thêm 48,1% và Nhật Bản tăng trưởng tới 41,7%.

Trong thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trên nhiều phương diện, trong đó có sự tăng trưởng của lượng khách quốc tế đến nước ta. Kết quả này có được là nhờ vào sự quan tâm sâu sắc của các cấp, ngành đã ban hành nhiều chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho việc xúc tiến, phát triển du lịch. Cùng với đó là sự nỗ lực của toàn ngành trong việc triển khai các hoạt động quảng bá, phát triển các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Khai phá “mỏ vàng” du lịch mua sắm, miễn thuế ở Việt Nam

Cửa hàng miễn thuế dưới phố đầu tiên ở Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng. Đây là cửa hàng liên doanh giữa Tập đoàn kinh doanh miễn thuế Lotte và Công ty thành viên Tập đoàn IPPG của ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhằm phục vụ khách du lịch quốc tế tại Việt Nam.

“Mảnh đất màu mỡ” còn bỏ ngỏ

Ở Việt Nam loại hình du lịch mua sắm còn bỏ ngỏ, chưa được quan tâm đúng mức khiến những tài nguyên sẵn có của chúng ta chưa phát huy được hiệu quả.

Theo thống kê mới nhất, hiện tại trung tâm du lịch lớn nhất cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mới chỉ có hơn 100 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm dành cho du khách.

Nhiều ý kiến cho rằng, phát triển du lịch mua sắm sẽ thúc đẩy tích cực kích cầu mua sắm và tăng chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước vào những năm 2030.

Mỗi năm, các công ty du lịch của Việt Nam tổ chức hàng vạn tour đưa khách Việt sang Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… chỉ để kích cầu tiêu dùng cho nước bạn. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, du khách tới Việt Nam bao năm qua vẫn loay hoay trong câu chuyện không biết chơi gì, mua thứ gì để khẳng định được thương hiệu cũng như chất lượng mà chỉ ở Việt Nam mới có.

Thực tế, tại các điểm tham quan, khu chợ đêm, khu phố đi bộ chỉ bày bán lẻ tẻ những món đồ tạp nham, chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc. Các mặt hàng lưu niệm tại địa phương cũng chưa được chú trọng đầu tư, hàng hóa nội địa không được cam kết chất lượng, không có những địa điểm mua sắm phù hợp để du khách tiêu tiền.

Trong khi đó, phân khúc hàng hiệu gần như bỏ trống khi chưa có chính sách để phát triển các khu factory outlet (trung tâm bán hàng giảm giá), cửa hàng miễn thuế dưới phố…

Cuối năm 2022, liên doanh giữa Tập đoàn kinh doanh miễn thuế Lotte và Công ty thành viên Tập đoàn IPPG của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã khai trương liên doanh cửa hàng miễn thuế dưới phố (Downtown Duty free) đầu tiên của Việt Nam tại TP Đà Nẵng với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục triệu USD.

Khai phá “mỏ vàng” du lịch mua sắm, miễn thuế ở Việt Nam

Ngay lập tức, khu cửa hàng miễn thuế này đã trở thành "thỏi nam châm" hút khách Hàn Quốc, đồng thời nhanh chóng có mặt trong top những điểm phải đến khi tới thủ phủ du lịch miền Trung.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng thừa nhận do chưa có sự liên kết tốt nên cửa hàng miễn thuế này chưa thực sự tạo ra "cú hích" cho thị trường du lịch mua sắm tại thành phố.

Bên cạnh đó, muốn thực sự đẩy mạnh được lĩnh vực này, Việt Nam phải thực sự đẩy mạnh được thương hiệu điểm đến mua sắm. Nếu muốn địa phương tự xây dựng thương hiệu thì phải có những chính sách ưu đãi rất đặc thù, như cách Trung Quốc đã làm tại đảo Hải Nam.

Không chỉ thành phố đáng sống Đà Nẵng mà từ Phú Quốc đến Đà Lạt, Nha Trang, Hà Nội… du khách chủ yếu chỉ ngày đi tham quan rồi tối về ngủ, không có chỗ chơi, không có chỗ mua sắm tiêu tiền. Trận địa mua sắm còn để lại nhiều tiếc nuối hơn ở TP Hồ Chí Minh, bởi đầu tàu kinh tế dù là trung tâm mua sắm - thương mại của cả nước nhưng vẫn chưa có một trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí xứng tầm.

Tại TP Hồ Chí Minh có thể tận dụng thế mạnh hiện có như chợ đường phố sôi động và các khu mua sắm truyền thống nhưng làm mới mặt hàng, cách thức mua bán tại các khu vực này, đồng thời bảo tồn di sản là không gian kiến trúc. Cách tiếp cận này mang lại nhiều trải nghiệm mua sắm, đáp ứng các sở thích và ngân sách khác nhau.

Các doanh nghiệp và nhà bán lẻ cũng cần hiểu được khác biệt của từng thị trường khách quốc tế để xây dựng sản phẩm du lịch mua sắm phù hợp. Chẳng hạn, khách du lịch từ các nước Châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể có xu hướng mua sắm mỹ phẩm và các mặt hàng thời trang cao cấp khi đến TP Hồ Chí Minh vì những sản phẩm này thường được cho là có giá phải chăng hơn so với ở đất nước của họ.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn IPPG kỳ vọng TP Hồ Chí Minh có thể phát triển các sản phẩm du lịch mua sắm như cửa hàng miễn thuế nội đô, các outlet hàng hiệu giá rẻ, công viên vui chơi giải trí chuyên đề. Ông nhận xét thành phố có ít lựa chọn mua sắm cao cấp để khách tiêu tiền mạnh tay. Hầu hết họ chỉ ghé các khu truyền thống như chợ Bến Thành, An Đông hoặc các trung tâm thương mại.

"Nếu giải được bài toán mặt bằng, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng được mô hình cửa hàng miễn thuế nội đô chỉ trong 6 tháng, đón thêm hàng chục triệu khách quốc tế, doanh thu du lịch dự kiến đạt thêm từ 1-2 tỷ USD mỗi năm", ông Hạnh nói.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023, doanh thu ngành du lịch của thành phố đạt 160.000 tỷ đồng, cao nhất cả nước. Hoạt động mua sắm của du khách đóng góp quan trọng vào nguồn thu địa phương nhưng dư địa còn rất lớn. Hiện, mức chi tiêu trung bình của khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh khoảng 4,7 triệu đồng mỗi ngày, trong khi năm 2019 là 3,89 triệu đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, từ nay đến năm 2030, du lịch mua sắm được xác định là một trong những sản phẩm chính mang lại nguồn thu chủ yếu cho du lịch TP Hồ Chí Minh. Định hướng tăng chi tiêu mua sắm của khách ngoại đến thành phố trong ngắn hạn là phát triển các hệ thống cửa hàng miễn thuế, trung tâm thương mại, khu phức hợp.

Khai phá “mỏ vàng” du lịch mua sắm, miễn thuế ở Việt Nam
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn IPPG: "Du lịch mua sắm là phân khúc du lịch tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mua sắm cho du khách, bao gồm đồ lưu niệm, quần áo, đồ trang sức, mỹ phẩm, đồ điện tử, đồ gia dụng, các mặt hàng khác thông qua mô hình như cửa hàng mua sắm miễn thuế nội đô, trung tâm bán hàng giảm giá, công viên giải trí, chợ truyền thống…".

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, cả về hàng địa phương lẫn hàng hiệu, chúng ta đều chưa có sản phẩm tốt. Khách đến Nhật muốn mua hàng nội địa Nhật, sang Thái Lan muốn tìm mua đồ Thái, tới Hàn Quốc là lao đến các khu mua sắm đồ nội địa Hàn, nhưng hầu như không ai tới Việt Nam tìm mua đồ Việt.

Tại các điểm tham quan, khu chợ đêm, khu phố đi bộ ở Việt Nam chỉ bày bán lẻ tẻ những món đồ tạp nham, chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc. Trong khi đó, trận địa hàng hiệu gần như bỏ trống khi chưa có chính sách để phát triển các khu factory outlet (trung tâm bán hàng giảm giá), cửa hàng miễn thuế dưới phố…

"Chúng tôi độc quyền 138 thương hiệu trên thế giới, đã đàm phán được với các nhà cung cấp để đạt được mức giá bán bằng giá tại Pháp, Singapore và thấp hơn ở Trung Quốc. Với lợi thế về địa lý, giá cả, nếu được tạo điều kiện để hình thành những khu factory outlet, cửa hàng miễn thuế dưới phố, những khu phi thuế quan, khu thương mại tự do thì Việt Nam sẽ là thỏi nam châm hút khách quốc tế tới tiêu tiền", ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Khai phá “mỏ vàng” du lịch mua sắm, miễn thuế ở Việt Nam
"Là doanh nghiệp đầu tiên, khởi đầu hình thành ngành kinh doanh miễn thuế tại Việt Nam, Tập đoàn IPPG đã đầu tư khắp các cửa khẩu biên giới và sân bay các dự án cửa hàng miễn thuế hiện đại đẳng cấp ngang tầm các sân bay trong khu vực cũng như góp phần thu hút khách du lịch, tăng trưởng thương mại du lịch", ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

bàn cách khai phá tiềm năng

Khai phá “mỏ vàng” du lịch mua sắm, miễn thuế ở Việt Nam
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Khách đến Nhật muốn mua hàng nội địa Nhật, sang Thái Lan muốn tìm mua đồ Thái, tới Hàn Quốc là lao đến các khu mua sắm đồ nội địa Hàn, nhưng hầu như không ai tới Việt Nam tìm mua đồ Việt.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, Nghị định 100/2020 của Chính phủ về kinh doanh hàng miễn thuế cho phép khách du lịch là người nước ngoài được mua hàng miễn thuế không giới hạn; nhưng trường hợp mua trong nội địa thì khách du lịch phải nhận hàng tại quầy trong khu cách ly tại cửa khẩu. Thủ tục này quá phức tạp, vô hình trung làm giảm sức mua của khách, bởi họ sẽ lo mua nhiều thì ra sân bay không chứa vừa vào va li, không kiếm được thùng đóng hàng để đưa ra.

Trong khi ở các nước cho phép khách có hộ chiếu mua hàng miễn thuế trong nội địa được mang hàng về luôn, tiện cho việc đóng gói hành lý. Bên cạnh đó, công nghệ hoàn thuế của Singapore, Nhật Bản ngày càng đơn giản, du khách có thể được hoàn thuế ngay tại cửa hàng và kiểm tra hóa đơn bằng công nghệ, quét qua máy tại sân bay rất nhanh chóng và tiện lợi.

Những cửa hàng miễn thuế cũng có sẽ những sản phẩm đặc biệt mà bình thường không có. Công nghệ hải quan của Việt Nam hiện nay cũng đã hoàn thiện rất hiện đại, đảm bảo chế độ giám sát, hậu kiểm; đủ điều kiện để chúng ta tháo những nút thắt vé quy định để mở bung sức mua hàng hiệu của khách sộp.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, thời gian tới, ngành du lịch sẽ ưu tiên liên kết hợp tác với các cơ quan, đối tác trong và ngoài nước, phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao, bao gồm sản phẩm du lịch mua sắm, nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút và khai thác thị trường khách có chất lượng, có khả năng chi trả cao; củng cố cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định, hiện nay du lịch Việt Nam đang quan tâm nhiều vào các dịch vụ bổ trợ, trong đó có dịch vụ mua sắm. Chính vì vậy, với những đóng góp đáng kể cho trải nghiệm của du khách, tăng khả năng cạnh tranh của điểm đến và tăng trưởng doanh nghiệp du lịch thì du lịch mua sắm được các địa phương, doanh nghiệp du lịch đầu tư phát triển trong những năm gần đây.

Cũng theo ông Khánh, tại Việt Nam, nếu các cơ sở mua sắm miễn thuế được đầu tư, vận hành hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch, thu hút ngoại tệ, tạo thêm lao động việc làm. Thị trường du lịch mua sắm mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho nền kinh tế của một quốc gia đang phát triển như: Tăng cường doanh thu du lịch, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương, từ nhân viên bán hàng, hướng dẫn viên du lịch, đến các nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ du lịch; thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương; quảng bá hình ảnh và văn hóa của quốc gia đến với du khách.

Tương tự, PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng cho rằng, thời điểm các địa phương quyết tâm phát triển kinh tế đêm chính là thời cơ vàng để Việt Nam khai phá mảnh đất màu mỡ du lịch mua sắm.

Khai phá “mỏ vàng” du lịch mua sắm, miễn thuế ở Việt Nam

PGS. TS Phạm Trung Lương cho biết, một mô hình kinh tế đêm cần đáp ứng đầy đủ 3 cấu phần là vui chơi, ăn uống và mua sắm. Khu phức hợp kinh tế đêm sẽ bao gồm cả thiên đường ẩm thực; không gian vui chơi giải trí và khu mua sắm có thể bán hàng lưu niệm, hàng truyền thống Việt Nam hay các khu outlet, hàng hiệu, hàng miễn thuế được đảm bảo chất lượng, có kiểm soát.

Do đó, việc phát triển du lịch mua sắm sẽ tích cực kích cầu mua sắm và tăng chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam Đồng thời, thúc đẩy ngành dệt may, ngành thời trang trong nước phát triển. Từ thiên đường mua sắm, chúng ta có thể tiến tới trung tâm thời trang.

Theo PGS. TS Phạm Trung Lương, chúng ta cần sớm có một trung tâm mua sắm dành riêng du khách quốc tế tại các điểm du lịch hàng đầu của cả nước để những quyền lợi cơ bản của du khách được đảm bảo.

Song song, ông Lương cho rằng cần tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam như là một điểm đến không chỉ hấp dẫn bởi thiên nhiên, văn hóa và con người mà còn là điểm đến du lịch mua sắm của khu vực, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng của du khách với sự đảm bảo về chất lượng hàng hóa, giá cả hợp lý, rõ ràng về xuất xứ.

Bài viết: Hậu Lộc