Bài 2. Ấn tượng một không gian di tích bên kia sông Hồng
![]() Nằm ven sông Hồng, ngôi đền Rừng hướng ra sông Hồng quanh năm mát mẻ và rộn ràng câu hát Văn. Theo lời giới thiệu ... |
“Bắt kịp” xu hướng, số hóa di tích
Đến đền Rừng, bước qua cổng đền, du khách sẽ nhìn thấy tấm biển Quy tắc ứng xử tại di tích với những hướng dẫn khá chi tiết về trang phục, giữ gìn vệ sinh không gian chung để bảo đảm sự trang nghiêm của di tích.
![]() |
Cổng vào đền Rừng |
Trong không gian linh thiêng, thoảng mùi hương trầm, thủ nhang Hoàng Xuân Mai chia sẻ: “Đền Rừng không chỉ là nơi thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, mà còn thờ Linh Lang Đại Vương. Ban quản lý luôn chú trọng để cảnh quan nơi thờ tự phải sạch đẹp, trang nghiêm. Bảng, biển Quy tắc ứng xử nơi công cộng được niêm yết rõ ràng, chi tiết ở vị trí dễ nhìn, giúp khách tham quan chấp hành quy định, từ đó, góp phần hình thành những chuẩn mực văn hoá khi tham quan di tích”.
Chị Tân Thúy Nga (Gia Lâm, Hà Nội) thường xuyên đến di tích này vào những ngày Rằm, mùng Một. chia sẻ với PV, chị Nga nói: “Phải thừa nhận, mấy năm gần đây, đền Rừng mang một diện mạo mới. Cảnh quan thoáng đãng, sạch sẽ, trang trọng và linh thiêng. Từng có thời gian, nơi thờ tự chưa được bố trí phù hợp, việc trông coi cũng không chặt chẽ, dẫn đến cả tình trạng mất tiền công đức. Nhưng giờ đây, ngôi đền này thực sự có một diện mạo mới”.
![]() |
Giao diện trang https://denrung.vn/. |
Bên cạnh sự tích cực trong quản lý di tích này, đền Rừng còn gây ấn tượng cho du khách khi trở thành một trong những di tích tiên phong số hóa, kết hợp công nghệ hiện đại VR360 để quảng bá, mang đến trải nghiệm cho du khách. Chỉ cần một cú click chuột vào địa chỉ: https://denrung.vn/, người xem có thể tìm hiểu về lịch sử đền Rừng, cũng như cảnh quan và các hoạt động văn hóa, nghi lễ hầu đồng, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận… liên tục được cập nhật.
“Việc kết hợp công nghệ hiện đại VR360 không chỉ là sự thích nghi với xu thế mà còn là cách để truyền tải thông điệp sâu sắc về lòng tôn kính cội nguồn, giữ gìn tinh hoa dân tộc trong một thế giới đang biến đổi không ngừng. Nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Khi kết hợp công nghệ, những giá trị tâm linh truyền thống, di sản phi vật thể ấy được “thổi hồn” và dễ dàng lan tỏa trong đời sống đương đại” – nghệ nhân Hoàng Xuân Mai nói.
![]() |
Nghi lễ rước nước truyền thống đầu năm tại đền Rừng |
Người thủ nhang “khoác áo mới” cho đền Rừng
Đền Rừng giờ đây trở thành điểm đến hấp dẫn du khách và những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Để có được thành quả này, ông Mai cho biết, phải kể đến vai trò của những thủ nhang tiền nhiệm và sự quan tâm của các cấp chính quyền, người dân địa phương. Nói về mình, ông Mai khá kiệm lời. Song theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Tất Kim Hùng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa Thờ Mẫu và Hát Văn Hà Nội, ông Hoàng Xuân Mai có đóng góp rất lớn trong việc gìn giữ và lan tỏa tín ngưỡng thờ Mẫu – một di sản văn hóa độc đáo của dân tộc, đưa đền Rừng trở thành điểm đến hấp dẫn của giới trẻ và khách quốc tế.
“Những nỗ lực không ngừng của nghệ nhân Hoàng Xuân Mai, những đóng góp về tịnh tài và tịnh vật của ông không chỉ thể hiện tâm huyết cá nhân trong việc tôn tạo di tích đền Rừng, mà còn góp phần quan trọng vào duy trì hoạt động của Hội Di sản Văn hóa Thăng Long – Hà Nội và Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa Thờ Mẫu và Hát Văn Hà Nội” – nghệ nhân ưu tú Nguyễn Tất Kim Hùng nhận xét.
![]() |
Nghệ nhân Hoàng Xuân Mai, thủ nhang đồng đền Rừng trò chuyện với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Sinh ra từ vùng quê Ba Vì, nơi thờ Thánh Tản Viên, vùng đất thấm đẫm văn hóa này như một mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn nghệ nhân Hoàng Xuân Mai. Ông luôn hướng về những giá trị cội nguồn, truyền thống. Trưởng thành và lập nghiệp ở mảnh đất Ngọc Thụy, lại được được bà con Nhân dân trong vùng, các thanh đồng, nghệ nhân tín nhiệm bầu làm thủ nhang đền Rừng, ông Mai coi đó là căn duyên.
“Ngọc Thụy là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, nơi thờ Thái úy Lý Thường Kiệt, người anh hùng của dân tộc. Nơi đây như quê hương thứ 2 của tôi. Vì thế, tôi mang ơn con người và mảnh đất này” – ông Mai tâm sự.
Ông Mai cùng Ban Quản lý di tích đền Rừng luôn trăn trở trước việc làm sao để đền Rừng trở thành điểm tham quan và tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng thờ Mẫu của giới trẻ. Ông Mai nhấn mạnh: “Tôi tin rằng, tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ mang giá trị tâm linh mà còn chứa đựng những bài học sâu sắc về sự gắn kết, lòng biết ơn và tinh thần nhân văn. Do đó, những giá trị này cần được lan tỏa hơn nữa trong các bạn trẻ theo đúng giá trị thật, nguyên bản”.
Trăn trở với điều này, ông Mai đã đưa ra sáng kiến dùng mã tranh trong các giá đồng. Theo đó, với mỗi giá đồng, các thanh đồng có thể dùng mã tranh được thiết kế 3D để thay cho vàng mã, ngựa, mũ áo bằng giấy. “Thông thường, một giá đồng tối thiểu cũng chừng 20 triệu, nhưng khi dùng mã tranh trong nghi thức hầu đồng, người hầu chỉ tốn 1,2 triệu đồng, tiết kiệm rất nhiều chi phí. Thực tế, việc dùng mã tranh trong thờ cúng có từ thời xa xưa. Cho tới nay, đền Rừng là nơi tiên phong dùng mã tranh. Dù ban đầu vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, nhưng bên cạnh đó, rất nhiều người ủng hộ. Từ lâu, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã khuyến khích không dùng vàng mã trong thờ cúng, vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường. Tôi vững tin rằng, những giá trị thực, những gì xuất phát từ tâm sẽ được lan tỏa và bền vững” – ông Mai bày tỏ.
![]() |
Nghệ nhân Hoàng Xuân Mai giới thiệu về những mã tranh thay thế vật phẩm vàng mã trong các giá hầu đồng để tránh lãng phí và góp phần bảo vệ môi trường |
Trăn trở đưa di sản vươn xa
Hiểu rõ tầm quan trọng của công nghệ, ông Mai là một trong số ít thủ nhang dùng fanpage, Tiktok để quảng bá, lan tỏa di tích và tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống. Mỗi buổi giao lưu, thực hành nghi lễ hầu đồng, ông Mai đều trở thành Tiktoker chính hiệu.
Ông Mai nói: “Giới trẻ tiếp cận công nghệ và lan tỏa nhanh chóng nếu ta bắt đúng nhịp. Tôi mong muốn những việc làm của mình sẽ mang đến cho các bạn trẻ cái nhìn đúng đắn về nghi lễ hầu đồng, để họ “tín” mà không “mê”.
![]() |
Ông Mai mong muốn giới trẻ có cái nhìn đúng về nghi lễ hầu đồng, tín ngưỡng lâu đời của người Việt |
Bên cạnh sự tâm huyết, trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, ông Mai còn là điển hình về lối sống vì cộng đồng. Hiện nay, ông Mai hỗ trợ tiền học hàng tháng, mỗi tháng 2 triệu đồng cho 27 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại phường Ngọc Thụy; đồng thời cung cấp thực phẩm để thực hiện các bữa ăn từ thiện cho bệnh nhân ở Bệnh viện Ba Vì. Trong công tác tôn tạo đền Rừng, riêng năm 2024, ông Mai đã đóng góp 3 tỷ đồng để cùng chính quyền tu bổ di tích.
Ông Mai đã vinh dự được nhận nhiều chứng nhận, bằng khen, trong đó có danh hiệu “Người tốt việc tốt” năm 2022, 2023 do UBND Thành phố, UBND phường Ngọc Thụy công nhận; Chứng nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nghệ nhân trình diễn xuất sắc tại Liên hoa Hát Văn, hát Chầu Văn toàn quốc năm 2021; giấy khen của Sở văn hóa và thể thao Hà Nội; UBND quận Long Biên, Hội Di sản Văn hóa – Thăng Long với những thành tích trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, diễn xướng nghi lễ Chầu Văn của người Việt…
![]() |
Thủ nhang đền Rừng Hoàng Xuân Mai, thành viên Ban chủ nhiệm CLB thờ Mẫu và Hát Văn Hà Nội |
Sự ghi nhận của các cấp chính quyền, nhân nhân địa phương đã cho thấy tâm huyết, trách nhiệm và lòng trắc ẩn của thủ nhang đền Rừng. Song, chia sẻ với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Mai cho biết, niềm vinh dự đó càng khiến ông phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong việc bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa những giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu và di tích lịch sử đền Rừng.
(Còn nữa)