"Giao lộ sáng tạo" kết nối những di sản biểu tượng của Hà Nội
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024: “Đánh thức” những công trình Pháp cổ |
Kết nối nhiều công trình và không gian, ký ức cộng đồng
Tuyến lễ hội có lẽ còn mới mẻ tại Việt Nam nhưng là hình thức tổ chức lễ hội phổ biến ở khá nhiều thành phố trên thế giới. Hình thức mới mẻ này sẽ giúp kết nối thêm nhiều hoạt động, sự kiện sáng tạo, thu hút các cộng đồng sáng tạo, sẽ giúp từng bước định hình một hình thức tổ chức lễ hội đặc sắc và bài bản.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội ngày càng mở rộng về quy mô và chất lượng thu hút đông đảo Nhân dân tham gia |
Việc trải nghiệm theo tuyến đòi hỏi người tham gia nắm được lịch trình hoạt động và địa điểm hoạt động của Lễ hội, sau đó chủ động lựa chọn các hoạt động, sự kiện và địa điểm yêu thích của mình và lên kế hoạch đi trải nghiệm theo thời gian phù hợp trong những ngày diễn ra Lễ hội. Thiết kế lễ hội theo tuyến giúp gia tăng sự tích cực tham gia, khuyến khích sự tìm hiểu và tự do lựa chọn của người trải nghiệm.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ khai thác tuyến trung tâm là Quảng trường Cách mạng tháng Tám với hai trục Bắc Nam (phố Lý Thái Tổ - phố Lê Thánh Tông) và Đông Tây (dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền, liên kết các công trình kiến trúc nổi bật, gắn liền với lịch sử Thủ đô Hà Nội, kết hợp với các hoạt động trên các tuyến phố, vườn hoa trong khu vực, tạo ra một cuộc đối thoại mới mẻ và giàu ý nghĩa giữa kiến trúc, lịch sử, ký ức cộng đồng với các không gian di sản tinh hoa.
Tuyến trải nghiệm “Giao lộ Sáng tạo" |
Trên tuyến chính, công chúng sẽ được thưởng lãm, tham gia hơn 100 hoạt động, sự kiện sáng tạo. Trong đó, Cung thiếu nhi - địa điểm diễn ra nhiều hoạt động của Lễ hội - lấy ý tưởng chính là “Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai” sẽ bao gồm các hoạt động sáng tạo như sắp đặt, sáng tạo, công trình biểu tượng, triển lãm, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật.
Điểm nhấn trên tuyến Giao lộ sáng tạo còn là cụm tác phẩm kiến trúc, sắp đặt, ánh sáng… ở tòa nhà 19 Lê Thánh Tông - Đại học Quốc gia hứa hẹn những trải nghiệm sâu sắc về lịch sử kiến trúc Đông Dương, Việt Nam và những nghiên cứu để kế thừa phát triển các di sản đó.
Lễ hội còn có các công trình pavilion “Hành lang Ấu Trĩ” tại Cung Thiếu nhi, pavilion “Dòng” tại Bắc Bộ Phủ và vườn hoa Diên Hồng, pavilion “Bảo tàng lịch sử tương lai” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; cùng với đó là trưng bày về các không gian sáng tạo, các hoạt động triển lãm - trưng bày - sắp đặt nghệ thuật, các buổi biểu diễn nghệ thuật và nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo khác.
Cung Thiếu nhi Hà Nội - từ ký ức tuổi thơ thành nơi nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo tương lai thông qua Lễ hội năm nay |
Các tuyến phố Ngô Quyền, Nguyễn Xí, Tràng Tiền - những tuyến phố thương mại sầm uất của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế; các trung tâm biểu diễn, đào tạo nghệ thuật như Cung Thiếu nhi, Rạp Công nhân…; các không gian triển lãm, các cơ quan ngoại giao… chính là những yếu tố cộng hưởng nhằm thu hút khách tham gia lễ hội.
Dịp này, thành phố cũng kêu gọi rộng rãi các đơn vị, tổ chức, cá nhân nằm trên tuyến trải nghiệm Giao lộ sáng tạo hưởng ứng bằng các hoạt động đa dạng như trưng bày, sắp đặt… vừa tạo sự phong phú cho hoạt động lễ hội, vừa lan tỏa tinh thần sáng tạo tới cộng đồng.
Lễ hội không chỉ nằm trên tuyến chính. Tinh thần sáng tạo sẽ hiện diện ở khắp nơi. Ban Tổ chức Lễ hội cho biết đang gửi gắm và khuyến khích sự tham gia cộng hưởng của các không gian sáng tạo, các không gian di sản văn hóa, các làng nghề truyền thống trên các quận, huyện toàn thành phố.
Thúc đẩy sự đóng góp cho hoạt động sáng tạo
Với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 mong muốn gia tăng hiểu biết, lòng tự hào và tinh thần gắn kết với lịch sử Hà Nội cho công chúng, qua đó thúc đẩy sự đóng góp cho hoạt động sáng tạo và phát triển thành phố, đặc biệt nhân kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Tham gia Lễ hội, công chúng được khám phá và tham gia những đối thoại mới trên nền tảng lịch sử, ký ức cộng đồng và các công trình di sản đặc sắc. Bên cạnh các công trình di sản đô thị mang kiến trúc Pháp thường xuyên mở cửa đón du khách như Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thì lần đầu tiên tại Lễ hội, người dân có thể tham quan, tìm hiểu các di sản đô thị khác như Đại học Đông Dương (nay là Đại học Quốc gia) và đặc biệt là Bắc Bộ Phủ, nơi từng là Dinh Thống sứ Bắc Kỳ, Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, nay là Nhà khách Chính phủ.
Bắc Bộ Phủ ghi dấu cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên tại Hà Nội năm 1945. Nhà hát Lớn gắn với cuộc mít tinh ra mắt Mặt trận Việt Minh, một trong những cuộc duyệt binh đầu tiên của Việt Nam Giải phóng quân, nơi Hồ Chí Minh đã phát động Tuần lễ vàng quyên góp ủng hộ Chính phủ…
Đại học Tổng hợp vốn trước Cách mạng tháng Tám là địa điểm của Viện Đại học Đông Dương. Lễ hội taọ ra một cơ hội tuyệt vời để công chúng được “chạm” vào các di sản ngủ yên.
Một ví dụ về “cú chạm” mới mẻ tới các di sản chính là công trình pavillion “Dòng” đưa công chúng đi từ một không gian “mở” (vườn hoa Diên Hồng) đến không gian “đóng” (bên trong Bắc Bộ Phủ), đến cuối tuyến là một không gian kiến trúc như một dòng chảy lịch sử quấn quanh những công trình di sản, kết nối di sản với hiện tại và với công chúng.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được lựa chọn làm bối cảnh cho một trong những pavillon điểm nhấn của Lễ hội năm nay |
Pavillion “Bảo tàng Lịch sử tương lai” sẽ là nơi trưng bày thông tin lịch sử, quá trình xây dựng và kiến trúc của bảo tàng cũng như các công trình di sản khác, trưng bày các mô hình công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở các tỷ lệ khác nhau. Thông qua đó, truyền tải thông điệp cần lưu giữ và khơi gợi niềm tự hào, tình yêu với Hà Nội cùng mong muốn trân trọng những giá trị hiện tại đến với thế hệ sau.
Lễ hội cũng đề cao vai trò của thiếu nhi và thanh niên trong vai trò kiến tạo thế giới và phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo trong tương lai; đề xuất những cách thức kế thừa và tiếp nối những giá trị mà thế hệ trước để lại nhằm tạo nên cuộc đối thoại liên thế hệ giữa tinh thần sáng tạo xưa và nay. Việc Cung Thiếu nhi Hà Nội được lựa chọn làm nơi tổ chức các hoạt động chính của Lễ hội và được xem là “trái tim” lễ hội, đã cho thấy sự đề cao vai trò của thế hệ trẻ gắn liền với địa điểm này từ nhiều thập kỷ nay.
Tại Cung Thiếu nhi Hà Nội có rất nhiều hoạt động thu hút sự tham gia tương tác của giới trẻ. Tại đây, công trình pavilion “Hành lang Ấu Trĩ” trở thành một không gian để kết nối, tạo điều kiện cho cả trẻ con và người lớn, những lớp thế hệ khác nhau đều có cơ hội để chơi, để xem trưng bày, để học hỏi, để trò chuyện và tương tác.
Triển lãm "Không gian đập thở - Thời gian tăm tích” kết hợp trình chiếu chuỗi phim, video và sắp đặt tương liên với kiến trúc tạo thành trải nghiệm thị giác đặc biệt, đưa đến người xem những suy tưởng về cuộc sống, quá khứ và giá trị tốt đẹp đã từng có.
Pavillion Hành lang Ấu trĩ tại Cung Thiếu nhi Hà Nội hứa hẹn trở thành không gian tương tác sáng tạo thú vị cho cả gia đình |
Ngay cả logo của Lễ hội năm nay được lấy cảm hứng từ biểu tượng chim non trên logo của Cung Thiếu nhi Hà Nội, biểu đạt cho tâm hồn trẻ thơ bên trong mỗi người.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đang tích cực tạo ra một cuộc đối thoại liên thế hệ, kết nối giữa lịch sử và tương lai, hướng đến thế hệ trẻ, làm nổi bật tinh thần sáng tạo xưa và nay.